Masan là trường hợp điển hình trong chuyển đổi số, khi áp dụng công nghệ AI và ML để cải thiện hiệu quả kinh doanh. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Xu hướng mới lan tỏa mạnh mẽ
Làn sóng chuyển đổi công ty truyền thống thành công ty công nghệ bắt đầu từ Vingroup vào năm 2018. Đại gia địa ốc số một Việt Nam này đã bất ngờ thay đổi chiến lược, chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp.
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, Vingroup đã hội tụ đủ các điều kiện để gia nhập lĩnh vực công nghệ - công nghiệp.
Việc đầu tư mạnh mẽ vào hai mảng trên không chỉ giúp Vingroup phát triển lên một tầm cao mới, mà còn tạo ra một hệ sinh thái về công nghệ - công nghiệp, góp phần đưa Việt Nam lên vị trí xứng đáng trên bản đồ công nghệ - công nghiệp thế giới.
Từ năm 2018 đến nay, chiến lược đầu tư nghiên cứu các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML)… của Vingroup chưa từng ngừng nghỉ. Các sản phẩm khoa học - công nghệ của Vingroup ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất ô tô, y tế, thương mại.
Không chỉ Vingroup, nhiều công ty truyền thống cũng tuyên bố chuyển đổi thành công ty công nghệ. Điển hình là Công ty cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông. Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc khẳng định, Rạng Đông sẽ trở thành công ty công nghệ cao.
“Chúng tôi sẽ xây dựng Rạng Đông thành công ty công nghệ cao để tham gia các chuỗi giá trị, hệ sinh thái của các tập đoàn khu vực và thế giới, mở rộng thị trường hệ sinh thái sản phẩm 4.0”, ông Thăng nói.
Trong làn sóng này, Tập đoàn Masan là một trường hợp khá điển hình. Ông lớn chuyên sản xuất mì tôm, nước mắm, cà phê… thời gian gần đây đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, xây dựng cho mình hệ sinh thái số toàn diện. Các thương vụ điển hình là chi gần 300 tỷ đồng mua lại mạng di động Reddi; chi 65 triệu USD để sở hữu 25% cổ phần của Công ty cổ phần Trusting Social - công ty con tại Việt Nam của Trust IQ Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore).
Ông Danny Lê, Tổng giám đốc Masan cho biết, nền tảng công nghệ, năng lực phân tích dữ liệu thông qua AI và ML cũng như con người và tổ chức là thành phần quan trọng trong hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ Point of Life (POL) của Masan. Trong năm 2022 và 2023, Masan sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt khi mở rộng đầu tư vào công nghệ với trọng tâm áp dụng công nghệ AI và ML để cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Xu hướng đầu tư vào công nghệ cao đang lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều công ty truyền thống khác như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), TH Group, Thế giới Di động, Vicostone, Gỗ An Cường, Vietravel, May 10, MB Bank, Vietcombank…
Nhận diện rào cản trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số, đưa ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp đang phải đối mặt với một số rào cản. Ở những doanh nghiệp lớn, việc chuyển đổi số, trở thành công ty công nghệ dễ dàng hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chủ tịch Ủy ban chuyển đổi số SMEs thuộc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Việt Nam có hơn 811.000 doanh nghiệp, trong đó SMEs chiếm tới 98,1%, sử dụng 70% lao động và đóng góp tới 45% GDP. Tuy nhiên, khảo sát của VINASA cho thấy, 69% doanh nghiệp không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai chuyển đổi số, 72% không biết bắt đầu từ đâu, 92% không biết chuyển đổi số như thế nào.
Bà Nguyễn Hà Giang, Phó giám đốc Trung tâm Kinh doanh FSI nhận định, thực trạng chung hiện nay là các doanh nghiệp không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, không có lộ trình rõ ràng, quản lý và điều hành thủ công, dữ liệu phân mảnh và chưa được số hóa, sử dụng quá nhiều công cụ phần mềm và quyết tâm của Ban lãnh đạo chưa triệt để.
“SMEs muốn chuyển đổi số thành công thì cần bắt đầu thay đổi từ bộ máy lãnh đạo. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cần đồng thuận và quyết tâm với chuyển đổi số, đồng thời đề ra chiến lược tổng thể. Tiếp đó, cần lập kế hoạch và lộ trình theo từng giai đoạn, xây dựng, triển khai các kế hoạch đó trong thực tiễn. Cuối cùng, doanh nghiệp cần xây dựng kho dữ liệu tổng thể và ứng dụng công nghệ 4.0 như AI, Blockchain, Cloud để đưa ra các mô hình sản xuất, kinh doanh mới”, bà Giang khuyến nghị.
Đồng quan điểm, ông Đặng Duy Khánh, Giám đốc chuyển đổi số khối SMEs (Tập đoàn VNPT) cho hay: “Khi chuyển đổi số, lãnh đạo số là yếu tố đứng đầu. Chúng tôi quan niệm, chuyển đổi số thực chất là chuyển đổi về kinh doanh nhiều hơn là phần số. Lãnh đạo ở trung tâm của quá trình chuyển đổi số, gồm 4 trụ cột chính xoay quanh là khách hàng, nhân viên, hoạt động, sản phẩm”.
Ở góc độ khác, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp chỉ ra, cản trở lớn nhất của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số là chi phí. Hiện nay, chi phí ứng dụng công nghệ số còn cao.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhất là SMEs còn thiếu hạ tầng về công nghệ số, cũng như còn e ngại về rò rỉ dữ liệu cá nhân của doanh nghiệp và thiếu cả nhân lực, khó khăn trong việc thay đổi tập quán kinh doanh truyền thống của mình.