Lâm Đồng là một tỉnh Tây Nguyên, có độ cao từ 800 - 1.500m so với mực nước biển, diện tích tự nhiên 9.783,3 km²; có 12 đơn vị hành chính trực thuộc. Tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ thuận lợi nối liền với các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên; giao thông hàng không có Cảng hàng không Liên Khương đạt tiêu chuẩn quốc tế, đang khai thác các chuyến bay nội địa đến Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Vinh, Cần Thơ và ngược lại, cùng các chuyến bay quốc tế tới Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) và ngược lại, hiện đang xúc tiến mở đường bay đến một số nước ASEAN, Bắc Á.
Với tài nguyên đất đai màu mỡ, Lâm Đồng có tiềm năng để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ. Thêm vào đó, toàn tỉnh còn có trên 597.000 ha rừng đa dạng sinh học đã hình thành nên vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà với trên 700 km2 và Vườn Quốc gia Cát Tiên rộng gần 273 km2 để phục vụ cho phát triển kinh tế lâm nghiệp và phát triển du lịch. Thủ phủ của Lâm Đồng là thành phố Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, nhiều di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng,... cùng hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, tạo cho vùng đất này có nhiều lợi thế để phát triển các ngành như giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ, nghiên cứu khoa học,...
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 2 KCN và 6 cụm công nghiệp, trong đó, tỷ lệ lấp đầy tại KCN Lộc Sơn là 80%, KCN Phú Hội là 100%, các cụm công nghiệp là 52%. Đã hình thành một số dự án mới, sản phẩm mới như: Nhà máy Bia Sài Gòn - Lâm Đồng công suất 100 triệu lít/năm, đóng góp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm; nhà máy sợi len lông cừu khoảng 1.000 tỷ đồng, công suất 4.000 tấn/năm, xuất khẩu 50% sản lượng; tổ hợp Bô xít Nhôm hoạt động vượt công suất thiết kế; Nhà máy sản xuất dược phẩm Nanogen tiêu chuẩn châu Âu, công suất thiết kế 332 triệu sản phẩm/năm. Chưa kể, tỉnh Lâm Đồng luôn chủ động “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp.
Năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề đến hầu hết tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và bằng nhiều biện pháp, giải pháp tích cực, các chương trình mục tiêu ở Lâm Đồng đã có bước cải thiện đáng kể, nền kinh tế đang hòa nhập sâu rộng trên thị trường quốc tế và khu vực; kết cấu hạ tầng, năng lực và trình độ sản xuất của nhiều ngành kinh tế tăng lên. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt 50.106 tỷ đồng, tăng 2,58% so với cùng kỳ. Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,8%; Công nghiệp và xây dựng tăng 6%.
Trong đó, tình hình sản xuất nông nghiệp trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời tiết tương đối thuận lợi cho việc gieo trồng và phát triển đối với cây trồng. Tổng diện tích gieo trồng ước đạt 395.531,9 ha, tăng 1,62% so với cùng kỳ. Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tiếp tục có bước phát triển. Hiện, Lâm Đồng được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích ứng dụng CNC và trở thành "điểm sáng" về sản xuất nông nghiệp CNC của cả nước với diện tích 63.378 ha (tăng 2.880 ha so với cùng kỳ). Cùng với những mô hình nông nghiệp công nghệ cao được trồng trong nhà kính, nhà lưới, bằng hệ thống tưới tự động, thông minh, phương thức canh tác thủy canh và nhiều giống cây trồng mới mang tính ưu việt đã đưa nông sản Lâm Đồng với Thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kì diệu từ đất lành” tiến xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước.
Chỉ số sản xuất chung của ngành công nghiệp Lâm Đồng tăng khá so với cùng kỳ, tăng chủ yếu là ngành sản xuất, phân phối điện. Dự ước chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn năm 2021 tăng 10,49% so với cùng kỳ. Hầu hết chỉ số sản xuất các ngành công nghiệp đều tăng như: ngành khai khoáng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất, phân phối điện tăng; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Còn trong lĩnh vực du lich, sau khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, ngành dịch vụ, du lịch tỉnh Lâm Đồng bắt đầu từng bước khôi phục. Toàn ngành đang tập trung mọi nguồn lực phát triển mạnh mẽ hơn 6 loại hình du lịch chủ đạo có lợi thế cạnh tranh gắn liền với đặc trưng văn hoá, môi trường tự nhiên ở địa phương, gồm: du lịch nông nghiệp, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch canh nông, du lịch khám phá văn hóa lịch sử, du lịch trải nghiệm. Qua đó mở ra cơ hội thu hút một lượng lớn khách du lịch hàng năm đến với Đà Lạt - Lâm Đồng trong thời gian tới.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 10.749 tỷ đồng, bằng 115 % so dự toán và tăng 14% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2021 đạt 27.868 tỷ đồng, tăng 7,96%; Đến cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 1,01%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 2,58%. Mặt khác, sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tỉnh cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát tình hình dịch COVID-19, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm, tăng cường.
Bước sang năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các ngành, các cấp tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tập trung, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên cơ sở kết hợp linh hoạt, sáng tạo, hài hòa, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có trong phát triển kinh tế - xã hội, toàn tỉnh phấn đấu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tiếp tục nâng cao hiệu quả và tập trung nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu. Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế. Trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng đa ngành, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, thông minh trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng phát triển công nghiệp theo hướng chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thân thiện với môi trường, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng từ sản phẩm nông nghiệp.
Tập trung nghiên cứu thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm khôi phục ngành du lịch, tạo thuận lợi cho ngành du lịch phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch, đầu tư các loại hình, sản phẩm du lịch mới, du lịch chất lượng cao, xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch của cả nước, khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm và đẩy mạnh giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo mới, giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn đặc biệt khó khăn. Tăng cường công tác bảo đảm an toàn trật tự xã hội, bảo vệ môi trường.