Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2023), tổ chức ngày 21/9/2023. Lễ kỷ niệm do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức. |
Tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo phương hướng đối ngoại trong thời gian tới là “Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân…”.
Cùng với đó, Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 1 tháng 1 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới nhấn mạnh “đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của từng cán bộ, đảng viên và người dân”.
Sự khẳng định của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước về vai trò của đối ngoại, trong đó có đối ngoại nhân dân không chỉ là nền tảng quan trọng để Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cùng với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nhân dân, dưới sự dẫn dắt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có những đóng góp ngày càng tích cực hơn cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước mà còn đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với đối ngoại nhân dân trong bối cảnh mới.
Trên tinh thần “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, ngay sau Đại hội XIII, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, với vai trò nòng cốt trong hoạt động đối ngoại nhân dân, đã chủ động tham gia các hội nghị, hội thảo quán triệt và triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng chủ động tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII và Chỉ thị số 12-CT/TW trong toàn bộ hệ thống từ trung ương tới địa phương, thay đổi nhận thức, tư duy, cách tiếp cận của toàn bộ hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam về vai trò, vị trí, về nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh mới, trước những yêu cầu mới.
Sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và các ban, bộ, ngành, cùng với sự tích cực, chủ động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam được thể hiện rõ nét qua sự tham gia hiệu quả của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại cấp cao. Chỉ tính từ sau Đại hội XIII đến nay, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tham gia 14 đoàn cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm làm việc tại các nước.
Trong khuôn khổ các chuyến thăm, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tham mưu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc với các đối tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, bao gồm bạn bè truyền thống, cánh tả, các học giả, viện nghiên cứu…; tổ chức nhiều hoạt động hòa bình, hữu nghị và hợp tác nhân dân; trao tặng các phần thưởng của Đảng, Nhà nước cho bạn bè, đối tác và ký nhiều thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ và ý định thư với các đối tác.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E.Knapper tham quan gian trưng bày về sản phẩm văn hóa hai nước tại chuỗi sự kiện kỷ niệm “10 năm quan hệ Đối tác toàn diện và triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”, ngày 2/12/2023, tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội). |
Những nỗ lực của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam còn thể hiện ở kết quả tích cực của hoạt động đối ngoại nhân dân song phương và đa phương. Nội hàm “toàn diện, hiện đại” như Nghị quyết Đại hội XIII đã được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị quán triệt và triển khai hiệu quả, đặc biệt trong tổ chức các hoạt động đối ngoại với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, từ các hoạt động trao đổi đoàn, hội nghị, hội thảo trực tiếp và trực tuyến, liên hoan hữu nghị nhân dân, các lễ kỷ niệm, trao đổi thư/điện đến các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao; nội dung đã được mở rộng đến các lĩnh vực xúc tiến du lịch, đầu tư, giáo dục; đối tượng của đối ngoại nhân dân cũng tiếp tục được mở rộng, từ các tầng lớp, tổ chức nhân dân và phi chính phủ đến chính giới, các cơ quan thuộc chính phủ và quốc hội các nước, các học giả, doanh nghiệp, nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng và thế hệ trẻ, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, trong đó có các nước láng giềng chung biên giới, các nước đối tác chiến lược, toàn diện, các nước bạn bè truyền thống…
Trên kênh đa phương, ngoài các cơ chế đa phương truyền thống như Hội đồng hòa bình thế giới-WPC, Hội nghị thế giới chống bom nguyên tử và khinh khí, các Diễn đàn nhân dân Á-Âu, Diễn đàn nhân dân ASEAN- APF, Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền AICHR…; từ năm 2021 đến nay, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã mở rộng và làm sâu sắc sự tham gia vào các cơ chế mới và quan trọng, đặc biệt là trong khuôn khổ tiểu vùng Mekong và các cơ chế quan trọng của Liên hợp quốc (UN ECOSOC, Hội đồng nhân quyền, Diễn đàn chính trị cấp cao…), Quốc tế tiến bộ, Văn phòng Hòa bình quốc tế, Mạng lưới hòa bình và hành tinh... Những thay đổi đó đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước; bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, phát triển bền vững, công lý và tiến bộ xã hội.
Trong công tác phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), với vai trò là cơ quan đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ PCPNN, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã thay đổi cách tiếp cận, chủ động đẩy mạnh vận động viện trợ PCPNN ở cả trung ương và địa phương; đa dạng hoá đối tượng vận động viện trợ và đổi mới hình thức vận động viện trợ cho phù hợp với tình hình mới; cũng như tăng cường kết nối các tổ chức với các địa phương và triển khai một số Chương trình vận động viện trợ lớn.
Công tác thông tin đối ngoại của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam được thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, phong phú, áp dụng nhiều phương thức truyền thông hiện đại như infographich, e-magazine, công nghệ tiếp cận bạn đọc…, tập trung khai thác bản sắc riêng của đối ngoại nhân dân, góp phần giới thiệu, quảng bá tới nhân dân trong và ngoài nước hình ảnh đất nước, lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam và các địa phương trên cả nước; những thành tựu của công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế; chính sách đối ngoại, quan hệ của Việt Nam với các nước; về chủ quyền biển đảo, chính sách của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông.. cũng như những khó khăn, thách thức mà nhân dân Việt Nam đang phải đương đầu, qua đó tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn trao Bằng khen cho đại diện các Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc địa phương. |
Chất lượng tham mưu, nghiên cứu của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam được nâng lên rõ rệt trong thời gian vừa qua, thể hiện qua việc tham gia đóng góp vào các định hướng, chiến lược, chủ trương quan trọng liên quan đến công tác đối ngoại do các ban, bộ, ngành trung ương chủ trì; phối hợp tham mưu nội dung các đoàn làm việc của Lãnh đạo cấp cao tại các nước; xây dựng nhiều báo cáo có chất lượng về tình hình đối tác, các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại của các nước trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan liên quan, trong đó có nhiều báo cáo có tính chất tham mưu quan trọng nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước.
Để có được những kết quả tích cực như trên, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định; sự phối hợp, hướng dẫn của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương là yếu tố quan trọng thì quyết tâm chính trị của Lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và toàn bộ hệ thống từ trung ương tới địa phương; sự phối chặt chẽ trong và ngoài hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chính là chìa khóa của thành công.
Để phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế về chất lượng của một số hoạt động đối ngoại nhân dân, về số lượng và chất lượng đối tác, sự thiếu đồng đều trong hoạt động của các tổ chức thành viên cũng như một số hạn chế trong công tác phối hợp, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã và đang tiếp tục tập trung triển khai thực hiện một số nội dung lớn: (i) tiếp tục quán triệt sâu sắc và tích cực triển khai đường lối của Đảng về đối ngoại và đối ngoại nhân dân, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế; (ii) Xây dựng lực lượng, kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp hóa từ trung ương đến địa phương; (iii) Không ngừng củng cố, xây dựng mạng lưới đối tác của đối ngoại nhân dân theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa; (iv) không ngừng đổi mới, tiếp tục đổi mới, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để không bị tụt hậu, không bị “bỏ lại phía sau” để tiếp tục “tiên phong, mở đường”, làm tròn vai trò “trụ cột” của “nền ngoại giao toàn diện, hiện đại” và (v) tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các cơ quan đối ngoại, để đối ngoại nhân dân thực sự trở thành cánh tay nối dài của đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Việt Nam.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự quan tâm, phối hợp, hướng dẫn của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương để công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam ngày càng hiệu quả, đóng góp ngày càng tích cực cho công tác đối ngoại, cũng như cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.