200 dấu chân khủng long được phát hiện tại mỏ đá miền Trung nước Anh. (Nguồn: Đại học Birmingham) |
Địa điểm trên được phát hiện sau khi một công nhân khai thác đá nhận thấy những vết lồi bất thường khi dùng máy xúc đất. Một nhóm gồm 100 người do các học giả của các trường Đại học Oxford và Birmingham dẫn đầu đã phát hiện các dấu vết khủng long sau cuộc khai quật kéo dài một tuần vào tháng 6/2024.
Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu và xác định 5 đường mòn lớn chứa các dấu chân. Đặc biệt, đường mòn dài nhất được ghi nhận là 150 mét và có khả năng còn kéo dài hơn.
Bốn trong số 5 dấu vết được cho là của một loài khủng long ăn cỏ cổ dài, rất có thể là loài cetiosaurus.
Theo Đại học Birmingham, dấu chân còn lại có khả năng thuộc về một loài khủng long ăn thịt dài 9 mét được biết đến với bàn chân 3 ngón đặc trưng có móng vuốt.
Tiến sĩ Emma Nicholls, nhà cổ sinh vật học về động vật có xương sống tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên của Đại học Oxford, cho biết các nhà khảo cổ hiếm khi phát hiện được nhiều dấu chân khủng long tại cùng một địa điểm hay tìm thấy những con đường mòn rộng lớn như vậy.
Trong khi đó, Tiến sĩ Duncan Murdock, nhà khoa học Trái đất tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên của Đại học Oxford, đánh giá những dấu vết được bảo tồn chi tiết đến mức các nhà khoa học có thể thấy bùn bị biến dạng như thế nào khi bàn chân của khủng long di chuyển ra vào.
Cùng với các hóa thạch khác như hang, vỏ sò và thực vật, các nhà nghiên cứu có thể tái hiện lại môi trường đầm lầy mà khủng long từng đi qua.
Các nhà nghiên cứu đã chụp 20.000 bức ảnh về những dấu chân mới nhất và tạo ra các mô hình 3D chi tiết về địa điểm này bằng cách sử dụng phương pháp chụp ảnh bằng máy bay không người lái.
Giới khoa học hy vọng phát hiện hiếm thấy trên sẽ đem lại manh mối về cách khủng long hoạt động, cũng như kích cỡ và tốc độ di chuyển của chúng.