Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: L.A) |
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh:"Công tác phát triển các hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam trong những năm vừa qua mặc dù đã được Chính phủ và chính quyền các địa phương quan tâm hơn, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập". Hiện nay, tình trạng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp vào nguồn nước tiếp nhận hiện đang phổ biến, nhiều dòng sông, kênh mương, thoát nước đô thị, các bãi chôn lấp rác bị ô nhiễm đến mức báo động đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo vệ sức khỏe, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Nguyên nhân chủ yếu, theo như Bộ trưởng chia sẻ, là do Việt Nam chưa có quy hoạch, kế hoạch phát triển đồng bộ, thiếu sự phối hợp chung trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, chưa huy động tốt các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia, đặc biệt việc huy động nguồn vốn và tổ chức quản lý còn nhiều yếu kém. Bên cạnh đó, sức ép của quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số di dân tập trung cao tại các đô thị lớn cũng gây tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật, cơ chế chính sách phát triển còn chậm đổi mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thoát nước và vệ sinh môi trường thực sự chưa có hiệu quả.
Rõ ràng, vấn đề môi trường đang trở thành vấn đề toàn cầu và không còn là việc riêng của một quốc gia nào. Diễn đàn Phát triển đô thị bền vững lần này đã tạo cơ hội tốt để phía Việt Nam và CHLB Đức phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, cùng chia sẻ nhận thức, cùng trao đổi kinh nghiệm, tìm ra giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nước thải và rác thải ở các đô thị, góp phần tích cực thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đảm bảo sự bền vững của môi trường trong phát triển đô thị tại Việt Nam.
Đức luôn cam kết hỗ trợ Việt Nam
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), mức thiệt hại kinh tế của Việt Nam do thiếu quản lý nước thải và chất thải lên đến 1,3% thu nhập quốc dân. Theo bà bà Karin Kortmann - Quốc Vụ khanh, Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức thì Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả từ những yếu kém trong quản lý nước thải và chất thải rắn. Đây được coi là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong việc thực hiện mục tiêu vào năm 2010, tất cả các thành phố lớn đều có hệ thống quản lý nước thải và các khu công nghiệp có công trình xử lý nước thải riêng.
Dự án xử lý nước thải tại một Khu công nghiệp |
Tại diễn đàn, bà Kortmann nhấn mạnh chính phủ Đức sẽ luôn cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và coi quản lý nước thải và chất thải là một trong những hoạt động ưu tiên trong hợp tác phát triển.
Được biết, Việt Nam là một trong 5 quốc gia ở châu Á mà chính phủ Đức đã triển khai hoạt động hợp tác phát triển trong ngành nước và vệ sinh. Đức đang thực hiện các dự án cấp thoát nước và vệ sinh môi trường cho 6 thị xã thuộc 6 tỉnh ở Việt Nam. Tại một số khu công nghiệp, phía Đức cũng đang bắt đầu triển khai đầu tư cho các nhà máy xử lý nước thải công nghiệp. Tổng giá trị đầu tư cho các nhà máy này ước tính vào khoảng 200 triệu euro.
Bà Kortmann khẳng định phía Đức sẽ giúp tư vấn cho Bộ Xây dựng về cách thức xây dựng môi trường pháp lý cho quản lý nước thải và chất thải. Chỉ khi nào có một khung pháp lý rõ ràng cho quy hoạch, cấp vốn và thực hiện đầu tư tại các tỉnh và thành phố, khi đó mới có thể đạt được những kết quả mong muốn.
Từ năm 2002, quản lý nước thải và rác thải đã là một trọng tâm trong các hoạt động hợp tác phát triển Việt - Đức. Cho đến nay, phía Đức đã đóng góp khoảng 150 triệu Euro vào lĩnh vực này, bao gồm cả việc xây dựng hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải trong 9 thành phố cấp tỉnh cũng như xây dựng các khu tập kết rác thải ở 2 thành phố tại Việt Nam.
Lan Anh