Toàn cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: BTC) |
Nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch và quản lý điểm đến tại khu vực 4 tỉnh Bắc miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp với Liên minh châu Âu tổ chức hội thảo “Hỗ trợ Quản lý điểm đến 4 tỉnh Bắc miền Trung”, nằm trong chuỗi của Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội” (Dự án EU-ESRT do liên minh châu Âu tài trợ).
Tham dự hội thảo có đại diện các vụ chức năng của Tổng cục Du lịch, đại diện Ban Quản lý Dự án EU-ESRT, đại diện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Căn cứ kế hoạch hoạt động năm 2016 đã được phê duyệt, trong tháng 2 và 3/2016, Dự án EU-ESRT đã tổ chức chuyến công tác của nhóm chuyên gia quốc tế và trong nước đến 4 tỉnh Bắc miền Trung để nghiên cứu hỗ trợ đề xuất Chiến lược phát triển du lịch cho 4 tỉnh. Hội thảo được tổ chức nhằm trình bày kết quả và xin ý kiến đóng góp cho các đề xuất của nhóm chuyên gia, đồng thời thảo luận phương hướng xây dựng kế hoạch hành động trong thời gian sắp tới nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm Du lịch, Quản lý điểm đến, Tiếp thị và Đào tạo.
Tại hội thảo, chuyên gia Robert Travers đã trình bày các kết quả nghiên cứu ban đầu về sản phẩm, marketing, phát triển nguồn nhân lực và các vấn đề chính về du lịch có trách nhiệm. Từ những kết quả nghiên cứu, chuyên gia đề xuất một loạt các hoạt động để tăng cường sản phẩm du lịch tại 4 tỉnh Bắc miền Trung để cạnh tranh với các điểm du lịch khác trong khu vực.
Các hoạt động cần thực hiện bao gồm: nêu bật, bảo vệ và đầu tư vào các nét độc đáo của 4 tỉnh; giải quyết tính mùa vụ và các tiêu chuẩn của sản phẩm là những vấn đề nổi bật cần giải quyết, đáp ứng tiêu chuẩn của các điểm đến có tính cạnh tranh, có các cơ hội tiếp thị nếu sản phẩm và các tiêu chuẩn dịch vụ được nâng cấp.
Giới thiệu về hoạt động hỗ trợ của Dự án, chuyên gia Robert Travers cho biết các chuyên gia sẽ giúp các tỉnh xác định và ưu tiên các sản phẩm du lịch mạnh nhất ở cấp khu vực cũng như các cụm sản phẩm du lịch, bao gồm cả các tuyến đường liên kết các sản phẩm ưu tiên.
Nhờ hỗ trợ kỹ thuật này, du lịch tại Bắc miền Trung sẽ nói được ngôn ngữ của thị trường để thúc đẩy quảng bá các cụm sản phẩm như những điểm đến hấp dẫn, giúp du khách cảm nhận được các điểm đến và lên kế hoạch chuyến đi của họ. Kết quả là, các tuyến du lịch này sẽ khuyến khích du khách ở lại lâu hơn, đi xa hơn và chi tiêu nhiều hơn.
Từ nay tới tháng 7/2016, các chuyên gia của Dự án sẽ phối hợp chặt chẽ và trao đổi với các tổ công tác và các nhà điều hành tour du lịch để thống nhất được các cụm sản phẩm trong khu vực và các tuyến đường tham quan khu vực. Tháng 8/2016, Dự án sẽ bàn giao Bản đồ điện tử của khu vực, trong đó làm nổi bật các cụm sản phẩm và các tuyến điểm du lịch tại 4 tỉnh Bắc miền Trung.