Nhỏ Bình thường Lớn

Phát triển kinh tế biển xanh: Để người dân ven biển không còn bấp bênh theo cột buồm...

Cùng nhìn lại những thành tựu phát triển kinh tế biển xanh để thêm tin tưởng vào những quyết sách kinh tế biển tiếp tục được đi vào cuộc sống và người dân ven biển không còn bấp bênh theo cột buồm.
Khi người dân chung tay bảo vệ biển, đảo
Phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.

Đã có những chuyển biến trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt là các huyện đảo, huyện đảo ven bờ - nơi lưu trữ nguồn vốn tự nhiên biển quan trọng quốc gia, được người dân sinh sống ở vùng ven biển và trên đảo thực thi, làm thay đổi bộ mặt cuộc sống, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.

Tư duy về kinh tế biển xanh

Dọc theo chiều dài hơn 3.260 km bờ biển nước ta có 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển và 12 huyện đảo, trong đó có 10 huyện đảo ven bờ và 2 huyện đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa. Trong số hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ của nước ta, có khoảng 2.773 đảo ven bờ với gần 70 đảo có dân sinh sống (không tính du khách). Số lượng lớn đảo còn lại chỉ có sinh vật sinh sống, không ít đảo nhỏ vẫn hoang sơ, hoang dã - tiền đề cho phát triển kinh tế đảo xanh.

Khoảng 25 kiểu loại hệ sinh thái biển phân bố tập trung, viền theo bờ biển và quanh các đảo đến độ sâu 30-50m là nguồn vốn tự nhiên biển quan trọng cho phát triển kinh tế biển xanh, là “ngôi nhà chung” của hàng nghìn loài sinh vật biển và là nơi nương tựa sinh kế (trực tiếp hay gián tiếp) của gần 20 triệu người dân nước ta sống ở vùng ven biển và trên đảo.

Tuy vậy, không ít cư dân, nhất là ở vùng bãi ngang ven biển còn nghèo khó và thường xuyên hứng chịu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ra biển xa thì nỗi lo “nhân tai” rình rập, đánh cá ở “ao nhà” thì tôm cá dần cạn kiệt, bị đánh vét, môi trường bị “đầu độc” bởi các vật, chất thải không qua xử lý và rác thải nhựa.

Các khu bảo tồn biển (được Chính phủ thiết lập) để lưu giữ các giá trị dịch vụ thiết yếu của các hệ sinh thái tiêu biểu còn chưa được quản lý hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu. Cũng chưa ngăn chặn được nạn khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản và các hành vi khai thác tài nguyên biển, vùng ven biển và đảo thiếu thân thiện với môi trường.

Vì thế, phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, khi nền “kinh tế biển nâu” đang là “vật cản” trên chặng đường phát triển bền vững kinh tế biển. Kinh tế biển xanh thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững dựa trên việc duy trì và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tự nhiên biển, các dịch vụ hệ sinh thái ven biển và đảo ven bờ.

Điều này đòi hỏi phải áp dụng các giải pháp xanh (Blue solution) đối với các ngành kinh tế biển và cấp cộng đồng. Trước những thách thức, người dân đã biết “biến nguy thành cơ”, biến khó khăn thành thuận lợi bằng cách chung tay với Nhà nước và chính quyền địa phương “cùng làm, cùng hưởng”. Nói cách khác, đó là phương thức “đồng quản lý” (Co-management) dựa vào cộng đồng đối với tài nguyên và môi trường biển mà gần đây đã được triển khai với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế. Các câu chuyện dưới đây chỉ là những “mảnh ghép” để minh họa cho một số mô hình quản lý mới này ở nước ta.

Đầu tư cho tương lai

Các hệ sinh thái, tiên phong là rừng ngập mặn, được xem là cơ sở hạ tầng tự nhiên ở vùng bờ biển để chống lại tác động của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Cho nên, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, sau chuyến đi đánh giá thiệt hại và hỗ trợ các nạn nhân trong vụ thảm họa sóng thần ở 6 quốc gia Nam Á năm 2004 đã khẳng định trước diễn đàn của Liên hợp quốc về vai trò của rừng ngập mặn bằng câu nói nổi tiếng: đầu tư cho hệ sinh thái vùng bờ biển là đầu tư cho tương lai.

Đây là một thông điệp mang tầm chiến lược và là căn cứ để ông đưa ra “Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai” (Mangroves For the Future - MFF) thực hiện từ năm 2006 ở 6 quốc gia chịu tác động của sóng thần bằng sự tài trợ của chính Quỹ Bill Clinton và các nhà tài trợ quốc tế khác.

Năm 2008, Việt Nam được mời tham gia MFF với tư cách quan sát viên và năm 2010, Việt Nam chính thức gia nhập MFF. Đến nay, thông qua tài trợ của sáng kiến này hàng chục dự án vừa và nhỏ đã được thực hiện ở cấp cộng đồng ven biển từ Bắc vào Nam.

Các dự án đều hướng vào chuyển giao hoặc nhân rộng các mô hình để cải thiện sức chống chịu của vùng ven biển trước biến đổi khí hậu; cải thiện sinh kế của người dân ven biển, trên đảo; tăng khả năng thu và giữ CO2... thông qua trồng và bảo tồn các cánh rừng ngập mặn ven biển, rạn san hô và thảm cỏ biển; phát triển du lịch sinh thái bền vững trong các khu bảo tồn biển.

Khi người dân chung tay bảo vệ biển, đảo
Quần đảo Chàm - Hội An được coi là ví dụ điển hình trong quản lý và bảo tồn. (Nguồn: Tổng cục Du lịch)

Bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển

Khu bảo tồn biển (KBTB) được xem là một công cụ quản lý hữu hiệu để bảo toàn nguồn vốn tự nhiên và tính bền vững của các vùng biển, duy trì và phát triển các ngành kinh tế biển dựa vào bảo tồn thiên nhiên, như nghề cá, du lịch và các dịch vụ đi kèm.

Quản lý tốt các KBTB thì chỉ sau 3 năm, tôm cá này sẽ được phục hồi và khoảng 5 năm sẽ xuất hiện hiệu ứng phát tán (chất dinh dưỡng và nguồn giống thủy sản) ra vùng biển chung quanh. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2020 với danh mục 16 KBTB phân bố đại diện cho toàn vùng biển nước ta, xa nhất ở phía Bắc là Khu bảo tồn biển đảo Bạch Long Vĩ, ở phía Nam là Khu bảo tồn biển đảo Nam Yết (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

Khoảng 70.000 ha rạn san hô, 20.000 ha thảm cỏ biển và một phần rừng ngập mặn, phần lớn các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản kinh tế, gần 100 loài đặc hữu và nguy cấp được quản lý trong phạm vi các KBTB đến năm 2020.

Đây chính là cách giữ cho người dân có nguồn sinh kế và duy trì được nguồn vốn tự nhiên biển dễ bị tổn thương cho phát triển bền vững kinh tế biển theo tinh thần Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

KBTB vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) - một trong các KBTB quốc gia nói trên, được thành lập sớm nhất nước ta, đã giữ được vùng lõi (bảo vệ nghiêm ngặt) ở khu vực Hòn Mun và cũng tại đây các nhà đầu tư nước ngoài đã tổ chức hoạt động du lịch lặn (Diving tourism) và nghề cá giải trí từ năm 1994.

Như vậy, người dân đã khai thác các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái rạn san hô ở đây, thu lời cao hơn nhiều lần đánh cá đi bán trong khi cá vẫn còn nguyên.

Nói “Không” với túi nilon

Rác thải nhựa đại dương, trong đó có túi nilon đang trở thành vấn nạn toàn cầu và ở nước ta, đặc biệt vùng ven biển. KBTB Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đóng vai trò rất quan trọng cho vùng biển Quảng Nam và Nam Trung Bộ, nhưng chất thải trên xã đảo Cù Lao Chàm cũng như trên các đảo khác thuộc quần đảo này không có điều kiện xử lý nên đều thải xuống vùng biển xung quanh. Vì thế, với sự hỗ trợ của chuyên gia trong và ngoài nước, cộng đồng dân cư ở đây đã nói “Không” với túi nilon từ năm 2009 và đến nay tất cả du khách không được mang túi nilon ra đảo Cù Lao Chàm.

Từ thành công này, Ban Quản lý KBTB Cù Lao Chàm tiếp tục áp dụng “đồng quản lý” tài nguyên biển đảo, trước hết là đối với Cua Đá - một loài đặc sản bản địa, là nguồn sinh kế của cộng đồng cư dân địa phương. Kết quả thực tế là: (i) Cộng đồng cư dân Cù Lao Chàm, sau khi vận động và áp dụng “dán nhãn sinh thái” đã chung tay bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên; nhận thức về biển đảo, kinh tế đảo xanh được nâng cao; bảo vệ “quyền hưởng dụng tài nguyên biển” của cộng đồng; (ii) Lợi ích từ Cua Đá gắn với lợi ích du lịch; cộng đồng ở đây đã bảo vệ được 75% số lượng Cua Đá và khi nó được dán nhãn trở thành sản phẩm du lịch tại Cù Lao Chàm để du khách hiểu được cách ứng xử của người dân địa phương đối với con Cua Đá; (iii) Tổ Cộng đồng Bảo vệ và Khai thác bền vững Cua Đá đã được thành lập theo Quyết định của UBND xã Ân Hiệp, thành phố Hội An đã tạo ra tác động chính sách bảo đảm tính ổn định của các kết quả đạt được. Thực tiễn tốt này đang được các KBTB trong hệ thống như: Cồn Cỏ, Lý Sơn và Phú Quốc nhân rộng.

Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với du lịch sinh thái bền vững

Dừa nước là loại cây ngập mặn chiếm ưu thế tuyệt đối tại hạ lưu sông Thu Bồn, tập trung chủ yếu tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Rừng dừa nước tạo cảnh quan đẹp cho vùng cửa sông và duy trì đa dạng sinh học của các loài thủy sinh ở cửa Đại, đồng thời là nguồn sinh kế của người dân Cẩm Thanh. Đây cũng là “cái bẫy” phù sa để bảo vệ KBTB Cù Lao Chàm lân cận ở phía ngoài biển. Tuy nhiên, những năm gần đây rừng dừa nước này đã bị khai thác không hợp lý, kéo theo sự giảm dần nguồn sinh kế của người dân phụ thuộc vào khai thác thủy sản trong rừng dừa nước.

Trước tình hình đó, Chương trình dự án nhỏ của Qũy môi trường toàn cầu (GEF SGP) đã hỗ trợ dự án “Phục hồi và bảo tồn rừng dừa nước xã Cẩm Thanh (Hội An) phục vụ du lịch sinh thái và phát triên bền vững”. Người dân Cẩm Thanh đã thực hiện: trồng và phục hồi, bảo vệ được khoảng 84ha dừa nước; thành lập khu bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh trong mạng lưới KBTB Cù Lao Chàm; Khu bảo tồn rạn san hô Tam Hải-Núi Thành chếch xuống phía Đông Nam; khoảng 20% các hộ gia đình tại Cẩm Thanh sử dụng lá cây dừa nước phục vụ cho hoạt động sinh kế và tăng thu nhập (như làm phên, tấm lợp,...); huy động được nhiều người dân tham gia bảo tồn rừng dừa nước và phát triển du lịch sinh thái (khoảng 50 hộ tham gia dịch vụ nhà lưu trú Homestay trong rừng dừa nước với thu nhập 9-12 triệu đồng/tháng). Các dịch vụ khác liên quan đến sản phẩm dừa nước, như: chở thuyền thúng, nghề tranh tre... cũng cho thu nhập gia tăng với thị trường ổn định, cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát.

Khi người dân chung tay bảo vệ biển, đảo
Mô hình luân canh tôm-lúa cho thấy các lợi ích về kinh tế, môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Mô hình canh tác tôm-lúa thích ứng biến đổi khí hậu

Mô hình luân canh tôm-lúa ở ven biển Trà Vinh của hộ ông Võ Chi Tâm ở ấp Trà Cuông, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Trước đây, vùng này là vùng chuyên 2 vụ lúa, hiện chuyển đổi thành 6 tháng nước ngọt, 6 tháng nước mặn. Độ mặn nước trong nội đồng là 1%0. Tỉnh hỗ trợ thực nghiệm chuyển đổi diện tích thí điểm khoảng 1ha (4 hộ), Nhà nước hỗ trợ 100% tiền giống và hỗ trợ 30% chi phí mua vật liệu. Tổng chi phí ban đầu cho mỗi ha khoảng 81 triệu đồng, lợi nhuận của mô hình này khoảng 120 triệu đồng/ha, gấp 10 lần so với chỉ thuần trồng lúa. Sản xuất 1 vụ lúa và 1 vụ tôm, hoặc lúa- cua. Năm 2015 nước mặn tới 21%o, năm 2017 nước mặn bình quân khoảng 10%0. Nhìn chung, sản xuất ổn định. Vì điều kiện canh tác thuận lợi, gần sông Hàm Luông và gần bờ biển nên độ mặn của nước thích hợp cho sản xuất lúa xen với thủy sản.

Mô hình này có lợi nhuận cao, nhưng cần đầu tư nhiều hơn vào các hạng mục như: đào ao; mua giống, mua máy bơm và giàn quạt; hỗ trợ kỹ thuật; công lao động, dầu và điện; hỗ trợ tiêu thụ; hỗ trợ kỹ thuật. Cần đầu tư hệ thống điện, đường giao thông và hệ thống thủy lợi. Khi mở rộng mô hình thì có thể có những khó khăn như: mô hình mới, đầu tư cao, người dân lo lắng nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước. Khi đào ao sẽ gây tác động môi trường đối với vùng xung quanh. Do vậy, cần quy hoạch đánh giá mức độ thích hợp của mô hình, trước khi đầu tư nhân rộng. Nên hình thành Tổ hợp tác sản xuất để trao đổi kinh nghiệm sản xuất.

Có thể nói, trong hàng trăm dự án ở cấp cộng đồng, ở đây mới dẫn ra một vài trường hợp như trên để làm ví dụ minh họa, chưa phản ánh toàn diện, đầy đủ kết quả chung. Điều đáng nói là, người dân ven biển, trên đảo phải thực sự tham gia vào các hoạt động tạo nguồn sinh kế bền vững cho chính họ, chung tay tự bảo vệ “nồi cơm Thạch Xanh” để luôn có “của ăn, của để”, gắn với bảo vệ quyền lợi của họ đối với nguồn tài nguyên biển, ven biển, đảo.

Cảm nhận cuộc sống nơi biển, đảo Việt Nam tại Hà Nội

Cảm nhận cuộc sống nơi biển, đảo Việt Nam tại Hà Nội

“Biển đợi” (tác giả Nguyễn Viết Rừng) và “Bảo vệ chủ quyền biển, đảo” (tác giả Trần Duy Tình) đã đồng đoạt giải Nhất trong ...

Triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc

Triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc

Chiều 31/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Hội nghị toàn ...

.