📞

Phát triển kinh tế Cửa khẩu thực tiễn từ Quảng Ninh

11:40 | 26/12/2014
Là khu kinh tế cửa khẩu đầu tiên ở Việt Nam từ năm 1996, từ một huyện nghèo, Móng Cái nhanh chóng chuyển mình trở thành một thành phố phát triển nhanh, là điểm sáng trên bức tranh kinh tế cửa khẩu của cả nước. Móng Cái hiện là trung tâm buôn bán, thương mại năng động, sầm uất lớn của Quảng Ninh, đồng thời là cửa ngõ quan trọng kết nối thị trường ASEAN với Trung Quốc.
Ảnh minh họa.

Từ tư duy đến hành động

Trong những năm qua, nhất là từ thập niên 90 của thế kỷ XX, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của đường lối đối ngoại. Từ tư duy đến hành động, Tỉnh bám sát các chủ trương, đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước để sáng tạo trong vận dụng vào thực tiễn của mình, trên cơ sở khơi thức được từng bước những thế mạnh, lợi thế so sánh riêng biệt của một vùng đất hội tụ và giàu có về tiềm năng phát triển.

Để cụ thể hóa đường lối đối ngoại, qua mỗi giai đoạn, Quảng Ninh ban hành và thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch phát triển quan trọng liên quan tới phát triển kinh tế cửa khẩu. Các chính sách cho thấy, phát triển kinh tế đối ngoại, trong đó có kinh tế cửa khẩu luôn là một chủ trương nhất quán, quan trọng, với những mục tiêu chiến lược có tầm nhìn dài hạn của Quảng Ninh; song trong mỗi giai đoạn, việc thực hiện lại có sự linh hoạt, sáng tạo, đặc biệt Quảng Ninh luôn là một trong những địa phương đi tiên phong trong thử nghiệm và áp dụng nhiều chính sách, cơ chế mới trong phát triển kinh tế cửa khẩu.

Tỉnh Quảng Ninh xúc tiến mở rộng quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài để tiếp thu vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tiếp cận thị trường thế giới và đạt được nhiều thành tựu kinh tế nổi bật. Quảng Ninh đã thành công trong việc thành lập cơ quan chuyên trách về thu hút đầu tư với tên gọi Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA). Cùng với nhiều cơ chế thu hút có chọn lọc khác, thu hút FDI của Quảng Ninh có những chuyển biến mới, với nhiều dự án quy mô lớn đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm (như điện lực, công nghiệp chế biến, phụ trợ, du lịch, dịch vụ...). Đến nay, số vốn FDI của Tỉnh đạt 4,2 tỷ USD (số lượng dự án đạt 28,7% so với cả chặng đường dài 20 năm đầu của thời kỳ đổi mới, nhưng tổng vốn FDI cao gấp 13,8 lần). Cơ cấu theo ngành nghề của các dự án FDI tiếp tục được phát triển tương đối đúng hướng.

Tận dụng lợi thế

Kể từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới (1986), kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh năm 2005 đạt 872 triệu USD, cao gấp hơn 100 lần so với năm 1985. Mặt hàng và thị trường xuất khẩu của Tỉnh ngày càng mở rộng, đa dạng. Cơ cấu mặt hàng dần chuyển hướng tích cực từ xuất khẩu những nguyên liệu thô có giá trị thấp sang những mặt hàng đã chế biến có giá trị kinh tế cao hơn. Nhập khẩu cũng đóng góp vai trò quan trọng để ổn định nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt hơn là tạo tiềm lực cho việc hình thành các dự án đầu tư của địa phương. Ngoài ra, dịch vụ cửa khẩu đã tạo cho Tỉnh lợi thế so sánh vượt trội so với các tỉnh/thành phố trong cả nước. Hàng năm, giá trị hàng hóa thuộc loại hình dịch vụ này tương đương với kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh. Nguồn thu thuế, phí liên quan đã có đóng góp ngày càng quan trọng, chủ đạo cho ngân sách của Tỉnh và làm thay đổi diện mạo khu vực biên giới.

Từ năm 2006 đến nay, xuất nhập khẩu tiếp tục đạt được kết quả khả quan cả về kim ngạch, thị trường và cơ cấu mặt hàng. Thị trường xuất khẩu đã mở rộng tới 70 quốc gia và vùng lãnh thổ; cơ cấu mặt hàng tiếp tục chuyển dịch nhanh hơn từ loại hàng hóa có giá trị kinh tế thấp sang giá trị kinh tế cao và đa dạng chủng loại hàng hóa. Kim ngạch xuất khẩu 10 năm gần đây cao gấp 3 lần giai đoạn 20 năm trước đó. Riêng năm 2013 đạt 1,85 tỷ USD, gấp 2,12 lần so với năm 2005.

Nhập khẩu giai đoạn này có nhiều đóng góp tích cực trong việc triển khai và hoạt động của các dự án có quy mô lớn. Năm 2013, nhập khẩu đạt 1,05 tỷ USD, gấp 3,1 lần so với năm 2005. Quảng Ninh nhập khẩu được nhiều thiết bị, công nghệ có chất lượng, giúp cho việc đầu tư các dự án lớn, đẩy nhanh tốc độ sản xuất, ổn định thị trường, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, dịch vụ thương mại quốc tế phát triển ngày càng mạnh hơn, tiếp tục khẳng định rõ nét loại hình dịch vụ này và là mũi nhọn trong thương mại quốc tế của Tỉnh.

Kinh tế cửa khẩu ngày càng trở nên sôi động và phát triển, thuận lợi cả về đường bộ, đường thủy, cảng biển. Lợi thế này không phải tỉnh biên giới nào cũng có được. Đây là điều kiện quan trọng để tỉnh thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch với Trung Quốc nói riêng, các nước trong khu vực nói chung. Đặc biệt, từ khi Chính phủ "áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu Móng Cái", kinh tế cửa khẩu của Tỉnh ngày càng được khẳng định vai trò quan trọng, là cơ sở tạo đà, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác tại địa phương biên giới, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt hơn là quốc phòng, an ninh được củng cố, giữ vững.

Hoạt động xuất - nhập khẩu đã đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh, với trên 2.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, thương mại biên giới đã tác động rõ nét đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trở thành kênh tiêu thụ hàng hóa hiệu quả cho khu vực sản xuất trong tỉnh. Thương mại dịch vụ biên giới hiện nay đã góp 50% GDP của tỉnh Quảng Ninh.

Phương Trà

Phát triển KCN, KKT còn nhiều bất cập

Theo Danh mục các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) ven biển và KKT cửa khẩu dự kiến ưu tiên thành lập đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh sẽ có 11 KCN, 3KKT cửa khẩu và 1 KKT ven biển. Qua gần 20 năm xây dựng và phát triển các KCN và KKT, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT trên địa bàn Tỉnh còn bộc lộ một số khó khăn, do việc phát triển loại hình này còn đang trong quá trình vừa triển khai, vừa đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Chính sách phát triển các KCN, KKT chưa đồng bộ, thiếu nhất quán; việc cụ thể hóa các thể chế, chính sách cho từng lĩnh vực cụ thể còn chậm; Hạ tầng các KCN, KKT mặc dù đã được quan tâm đầu tư, xong vẫn chưa đồng bộ, nguốn vốn đầu tư còn thấp; Sự kết nối, đồng bộ hệ thống giao thông chưa đạt kết quả như mong muốn; việc triển khai các quy hoạch và các dự án động lực có tính liên kết vùng như đường cao tốc, đường sắt, cảng biển và sân bay chưa đầu tư đồng bộ hoặc chậm được đầu tư; hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và người lao động.

Trịnh Văn Hồng- Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh

Móng Cái cần cơ chế ưu đãi đủ mạnh

Trên thực tế, Móng Cái chưa có được cơ chế ưu đãi đủ mạnh- chưa thực sự tạo được "cú hích" mạnh cho Móng Cái phát triển xứng tầm với lợi thế, vị trí chiến lược đã xác định - Nhất là chưa có cơ chế mạnh đối với một số khâu mang tính then chốt, đột phá để thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế mà Móng Cái còn đang gặp khó khăn (như Đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái; 29 dự án được ghi danh mục ưu tiên đầu tư tại quyết định 99/TTg; Cơ chế tài chính, mô hình quản lý hiệu quả đối với khu kinh tế Móng Cái; chính sách đối với cư dân biên giới…) Trong khi đó, ngay sát Móng Cái bên kia biên giới là thành phố Đông Hưng - tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, trong nhiều năm qua đã được Chính phủ Trung Quốc triển khai thực hiện xây dựng "Khu khai phát thí điểm trọng điểm Đông Hưng" cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt - nhất là ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đối ngoại, cơ chế chủ động thu chi ngân sách, cơ chế quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, chính sách đối với cư dân biên giới thông thoáng... đã tạo điều kiện tốt cho Đông Hưng phát triển rất mạnh.

Từ thực tế trên, để Móng Cái phát triển tốt trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế - trực tiếp và trước mắt để khắc phục tình trạng tụt hậu nhanh, khác biệt về đẳng cấp so với các thành phố bên kia biên giới, Móng Cái cần phải đặt vào thế phải đối mặt với những thách thức mới và mức độ cạnh tranh gay gắt hơn. Theo đó, Móng Cái cần được Trung ương, Tỉnh tiếp tục nghiên cứu để kịp thời cụ thể hóa cơ chế - chính sách ưu tiên, nhằm hạn chế thua thiệt trong hội nhập quốc tế - tránh việc tụt hậu và khác biệt lớn về đẳng cấp khiến Móng Cái trở thành vệ tinh phát triển của một số địa phương bên kia biên giới.

(Đại diện thành phố Móng Cái)