Đoàn viên Thanh niên xã Suối Đá thu gom chai nhựa sử dụng một lần và phát phiếu tham gia phiên chợ chai cho người dân. (Nguồn: TTXVN) |
Người mua hàng bằng hình thức sử dụng chai nhựa, rác thải nhựa thay cho tiền, với mục đích nâng cao ý thức chung tay bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa. Phiên "chợ chai" đã thu hút hàng trăm người dân và học sinh - sinh viên trên địa bàn đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm.
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Tây Ninh Trần Đăng Tiến cho biết, môi trường là một trong những tiêu chí hết sức quan trọng được địa phương quan tâm trong xây dựng nông thôn mới. Do đó để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã phát động tổ chức các hoạt động cao điểm tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh với phiên “chợ chai” nhằm tuyên truyền cho người dân, đoàn viên, thanh thiếu nhi về ý thức bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Theo anh Hà Minh Thắng, Phó Bí thư Xã đoàn Suối Đá, phiên "chợ chai" được lấy ý tưởng từ phiên "chợ lá" được người dân trong và ngoài tỉnh ưa thích những năm gần đây. "Chợ lá" và "chợ chai" có chung ý nghĩa là “mua niềm vui - bán hạnh phúc” cầu mong mang đến tài lộc cho nhau trong những dịp đầu Xuân năm mới, cùng với hành động đầy tính nhân văn vì một môi trường không rác thải nhựa, thay đổi ý thức sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Người dân đi chợ chỉ trả cho người bán hàng những chai nhựa, lon đã qua sử dụng, để mua lại những món ăn, thức uống truyền thống, thay vì dùng lá cây để đổi thức ăn, nước uống như "chợ lá".
Lần đầu tiên tham gia phiên chợ, em Huỳnh Duy Anh, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Suối Đá A mong muốn phiên chợ được tổ chức nhiều hơn để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh và tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho thiếu nhi vào dịp cuối tuần.
Bà Đinh Thị Ngoan (50 tuổi, ấp Phước Hội, xã Suối Đá) chia sẻ, người đi chợ chỉ cần chuẩn bị các vật dụng phế thải từ nhựa như chai nhựa, túi nhựa… để mua sắm thức ăn, nước uống. Phiên chợ không những mang đến trải nghiệm thú vị, độc đáo mà còn nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân.
Người mua bán tại phiên chợ đa số đều mong muốn chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn và truyền đi thông điệp chung tay bảo vệ môi trường. Do đó, phiên "chợ chai" nên được tổ chức thường xuyên và nhân rộng để khuyến khích mọi người sẵn sàng lan tỏa sự thiện lương và làm đẹp môi trường, làm đẹp cuộc sống.
Tham gia mua bán tại phiên "chợ chai", ông Ngô Doãn Lâm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Suối Đá cho biết, Hội đã chuẩn bị hơn 200 phần xôi đỗ và chè thưng để tham gia phiên chợ; mong muốn chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn và truyền đi thông điệp khuyến khích mọi người luôn biết yêu thương, san sẻ với nhau. Ông Ngô Doãn Lâm cũng cho rằng, phiên "chợ chai" là sáng kiến rất thiết thực nhằm giáo dục, nâng cao ý chung tay bảo vệ môi trường cho người dân.
Chủ tịch UBND xã Suối Đá Hà Thị Huế Nhung thông tin, "chợ chai" không lợi nhuận đã được tổ chức lần thứ 2 tại địa phương. Thời gian tới, UBND xã sẽ nhân rộng và duy trì tổ chức định kỳ hằng năm, đồng thời kết hợp với các hoạt động chăm lo cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tặng quà học sinh nghèo hiếu học từ đó đảm bảo các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Phiên "chợ chai" được UBND xã Suối Đá tổ chức, hoạt động tương tự như các phiên chợ truyền thống, các quầy hàng được xếp san sát nhau, với gần 60 gian hàng bày bán các món đặc sản dân dã địa phương như: Bánh tráng, bánh mì, bánh bao, bún, xôi, chè, ngô khoai luộc...
Các mặt hàng tại chợ không được định giá, người dân mua hàng bằng hình thức sử dụng chai nhựa, túi nhựa để mua sắm. 5 chai nhựa, túi nhựa được quy đổi thành 1 phiếu mua hàng, mỗi phiếu tương đương với một món hàng. Vật dụng đựng thức ăn trong phiên "chợ chai" cũng là những vật liệu thân thiện với môi trường như ly giấy, chén giấy, ống hút bằng tinh bột… nhằm nâng cao ý thức của người dân về nói không với rác thải nhựa, túi nylon.
Kết thúc phiên chợ, hàng trăm kilôgam rác thải nhựa, gồm: Túi nylon, vỏ chai, cốc nhựa, ống hút nhựa dùng một lần… được Ban Tổ chức thu gom, vận chuyển đến đơn vị tái chế rác thải nhựa để xử lý theo quy định.