Nhỏ Bình thường Lớn

Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc: Lợi ích riêng, quan tâm chung

Các quốc gia đều coi Đại hội đồng Liên hợp quốc là diễn đàn chung, nơi có thể chia sẻ lập trường, quan điểm về ưu tiên riêng của mình.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng  Liên hợp quốc, ngày 19/9. (Nguồn: Reuters)
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 19/9. (Nguồn: Reuters)

Ngày 19-26/9, Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) diễn ra tại New York (Mỹ), với sự góp mặt của hơn 150 nguyên thủ, lãnh đạo các chính phủ.

Bối cảnh đặc biệt

Phiên thảo luận chung cấp cao bắt đầu từ ngày 18/9 và dự kiến kéo dài trong hai tuần. Đây là sự kiện được chú ý nhất trong hoạt động thường niên của LHQ; diễn đàn để các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra các ưu tiên cho năm tới, thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề cấp bách. Vì thế, phát biểu của các nhà lãnh đạo thế giới được đặc biệt chú ý.

Tuy nhiên, tại phiên họp lần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden là nhà lãnh đạo cấp cao duy nhất trong số năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp và Anh, dự tuần lễ cấp cao. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính tham dự sự kiện. Ông Rishi Sunak là Thủ tướng Anh đầu tiên trong hơn một thập kỷ không dự Phiên thảo luận do lịch trình bận rộn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng bỏ lỡ sự kiện này do “xung đột” về thời gian.

Có thể thấy, phiên thảo luận chung diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp và khó lường. Xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, song song với đối đầu ngày càng sâu sắc giữa các bên. Cạnh tranh nước lớn tiếp tục gay gắt và toàn diện. Kinh tế thế giới giảm tốc mạnh và phải đối mặt với nhiều yếu tố không thuận lợi như chủ nghĩa bảo hộ cùng lạm phát tăng cao.

Thế giới chứng kiến sự trở lại của nhiều điểm nóng như Eo biển Đài Loan, Bán đảo Triều Tiên… mới đây nhất là Niger, Gabon và Nagorno-Karabakh. Thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh lương thực và năng lượng, an ninh mạng… hay biến đổi khí hậu đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt.

Trong bối cảnh đó, phiên thảo luận chung năm nay có chủ đề “Xây dựng lại niềm tin và khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn cầu: Đẩy nhanh hành động theo Chương trình nghị sự 2030 và Các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người”.

Nói như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: “Đây là thời điểm đặc biệt mỗi năm để các nhà lãnh đạo khắp thế giới không chỉ đánh giá tình hình toàn cầu, mà còn hành động vì lợi ích chung. Đó là những gì thế giới cần lúc này”.

Còn đó khác biệt

Câu hỏi đặt ra là: “Thế giới cần gì vào lúc này?” Những bài phát biểu của lãnh đạo một số quốc gia tại Phiên thảo luận chung tại ĐHĐ LHQ đã để lại một số câu trả lời khác nhau. Với một số nước phương Tây, đi đầu là Mỹ, Ukraine và Đức, xung đột Nga-Ukraine là mối quan tâm hàng đầu.

Tổng thống Joe Biden đã mười lần nhắc tới “Ukraine” và tám lần đề cập “Nga”. Ông chủ Nhà Trắng tái khẳng định cam kết với chính quyền Kiev, trong nỗ lực “bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tự do” cùng “nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao, vì nền hòa bình công bằng và bền vững”.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục chỉ trích Nga, kêu gọi thế giới đoàn kết phản ứng trước hoạt động quân sự của Moscow. Đồng thời, ông mong muốn các nước tiếp tục viện trợ, ủng hộ “công thức hòa bình” 10 điểm do chính quyền Kiev khởi xướng.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh rằng, xung đột Nga-Ukraine đã khiến “người dân trên thế giới phải hứng chịu hệ quả từ lạm phát, các khoản nợ ngày càng lớn, thiếu thốn phân bón, lương thực và đói nghèo gia tăng”. Nhà lãnh đạo này khẳng định Berlin và các thành viên của LHQ cam kết sẽ “cùng nhau sử dụng sức mạnh của mình để bảo đảm hòa bình, an ninh quốc tế”.

Một chủ đề chung khác là câu chuyện về biến đổi khí hậu. Đây là chủ đề được nhiều nước quan tâm, dù là Mỹ, Đức, Brazil, Colombia, Panama hay Uruguay. Đặc biệt, Tổng thống Brazil Lula Da Silva đặc biệt nhấn mạnh vấn đề này: “Thế giới vẫn chưa nhận thức đầy đủ sự nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Nó gõ cửa từng căn nhà, phá hủy gia đình, thành phố, quốc gia, gây thương vong và khiến những người anh em của tôi, đặc biệt là người nghèo, gánh chịu hậu quả”.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo châu Phi từ Algeria, Nigeria tới Nam Phi, bày tỏ quan ngại trước các vụ đảo chính gần đây tại lục địa này. Họ kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng tìm kiếm giải pháp vì hòa bình, bền vững tại Niger.

Tuy nhiên, không phải quốc gia này coi hai chủ đề này là ưu tiên hàng đầu của mình. Bởi lẽ, từ lâu, Phiên thảo luận cấp cao là diễn đàn để lãnh đạo thế giới khẳng định quan điểm, lập trường của mình trong các vấn đề có lợi ích sát sườn.

Đơn cử, về Trung Quốc, ông Joe Biden tái khẳng định lập trường của Washington “giảm thiểu rủi ro” thay vì tìm kiếm sự “phân tách” với Bắc Kinh. Trong khi đó, Tổng thống Paraguay Santiago Peña, người vừa nhậm chức hồi tháng trước, nhấn mạnh sự ủng hộ của nước này đối với Đài Loan (Trung Quốc). Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa đều kêu gọi mở rộng số lượng thành viên thường trực của HĐBA LHQ, lập trường hai nước này từng nhiều lần đề cập. Thủ tướng Slovenia Natasa Pirc Musar chỉ trích việc sử dụng quyền phủ quyết tại cơ quan này.

Quốc vương Abdullah của Jordan, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune dành sự quan tâm cho vấn đề Israel-Palestine. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, người đồng cấp Argentina Alberto Fernandez cũng hướng sự chú ý của thế giới về khu vực Nagorno-Karabakh, điểm nóng giữa Armenia và Azerbaijan những ngày qua.

Tuy nhiên, chắc chắn các quốc gia này đều đồng thuận về một điểm: LHQ nói chung và ĐHĐ LHQ nói riêng vẫn đóng vai trò đặc biệt, một diễn đàn nơi các nước nói lên “tiếng lòng”, vì thế giới “hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững” như chủ đề Phiên thảo luận chung năm nay.

Ai sẽ đại diện Trung Quốc dự họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78?

Ai sẽ đại diện Trung Quốc dự họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78?

Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính sẽ tham dự Khóa họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York từ ...

Trước thềm phiên thảo luận cấp cao, Ngoại trưởng Mỹ 'cảm ơn' Tổng thư ký Liên hợp quốc

Trước thềm phiên thảo luận cấp cao, Ngoại trưởng Mỹ 'cảm ơn' Tổng thư ký Liên hợp quốc

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có Thỏa thuận ...

Tổng thống Joe Biden: Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, hình mẫu vượt qua quá khứ, vì hòa bình và tương lai

Tổng thống Joe Biden: Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, hình mẫu vượt qua quá khứ, vì hòa bình và tương lai

Tổng thống Joe Biden đề cao quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ - hình mẫu cùng vượt qua quá khứ của chiến tranh, vì hòa bình ...

Bên lề họp Đại hội đồng LHQ: Mỹ hối Trung Quốc nâng mục tiêu khí hậu, Tổng thống Biden hứa hẹn gì với các nhà lãnh đạo Trung Á?

Bên lề họp Đại hội đồng LHQ: Mỹ hối Trung Quốc nâng mục tiêu khí hậu, Tổng thống Biden hứa hẹn gì với các nhà lãnh đạo Trung Á?

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry và Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính ...

Từ quốc gia tích cực ủng hộ nhất, Ba Lan bất ngờ dừng cung cấp vũ khí cho Kiev; Đức sẽ tổ chức hội nghị về tái thiết Ukraine

Từ quốc gia tích cực ủng hộ nhất, Ba Lan bất ngờ dừng cung cấp vũ khí cho Kiev; Đức sẽ tổ chức hội nghị về tái thiết Ukraine

Ngày 20/9, Ba Lan thông báo không tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, và sẽ tập trung đầu tư vào quốc phòng của ...