📞

Philippines chật vật giải bài toán ùn tắc giao thông

Thu Hằng 13:43 | 24/01/2024
Việc xây dựng thêm đường có thể không phải là giải pháp hiệu quả để giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông, báo Philippine Daily Inquirer nhận định.

Khi đang trên đường tới Philippine Arena ở Bulacan để tham gia chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới “Music of the Spheres” hôm 19/1, Chris Martin - giọng ca chính của ban nhạc Coldplay và ban nhạc của anh bất đắc dĩ phải khốn khổ vì tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.

Ca sĩ người Anh chia sẻ: “Chúng tôi đã gặp tình trạng kẹt xe ở nhiều nơi, nhưng tôi nghĩ rằng trên thế giới không nơi nào có thể vượt qua Malina khi nói về vấn nạn ùn tắc giao thông”.

Một cuộc khảo sát cho thấy những người tham gia giao thông ở Metro Manila chỉ đạt tốc độ trung bình 19 km/giờ trong giờ cao điểm vào năm ngoái. (Nguồn: Philippine Daily Inquirer)

5 ngày kẹt xe mỗi năm

Vùng đô thị Manila (hay Metro Manila) bao gồm thành phố Manila và 15 đô thị, thành phố lân cận khác ở Philippines. Nơi đây hiện có hơn 13 triệu người sinh sống.

Theo nghiên cứu mới nhất của công ty công nghệ định vị TomTom của Hà Lan thực hiện trên 387 thành phố và 55 quốc gia năm 2023, Metro Manila hiện là thành phố có mức độ tắc nghẽn giao thông cao nhất thế giới. Theo sau Metro Manila là Lima (Peru), Bengaluru (Ấn Độ), Sapporo (Nhật Bản) và Bogota (Colombia). Tất cả thành phố này đều chung vấn nạn ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy rằng, trong năm 2023, mỗi người lái xe ở Metro Manila trung bình mất 25 phút và 30 giây để đi quãng đường 10 km. Điều này có nghĩa là họ mất gần 117 giờ, tương đương với 5 ngày trong năm chỉ để “chịu đựng” tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Đây không phải là lần đầu tiên Metro Manila lọt vào "danh sách đen" về tắc nghẽn giao thông. Vào tháng 9/2019, ứng dụng chỉ đường Waze đã đánh giá Metro Manila là đô thị tồi tệ nhất trên thế giới khi lái xe, thậm chí mất 4,9 phút để đi hết 1 km.

Một vấn đề lớn mà chính phủ Philippines đang phải đối mặt là thói quen lái xe thiếu kỷ luật của người dân. Điều này có thể xuất phát từ việc mọi người đã quen với hàng thập kỷ quản lý giao thông không hiệu quả ở nước này.

Ông Ralf-Peter Schäfer, Phó Chủ tịch phụ trách giao thông của TomTom nhận xét: “Với hơn một nửa dân số thế giới sống ở các khu vực đô thị, tình trạng ùn tắc giao thông đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, môi trường và sức khỏe. Điều này đòi hỏi một giải pháp cấp bách”.

Theo ông, “việc lập kế hoạch cho các khu vực đô thị trong tương lai là một yếu tố quan trọng để quản lý giao thông hiệu quả”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu chính phủ Philippines đã có kế hoạch nào để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông?

42,6 triệu USD mỗi ngày

Trả lời về chỉ số của TomTom, Bộ trưởng Bộ Giao thông Jaime Bautista cho biết nước này đang triển khai các dự án đường sá và sẽ sớm cải thiện chất lượng di chuyển cho người dân.

Vào tháng 9, Tổng thống Marcos đã tuyên bố rằng chính phủ sẽ triển khai mọi biện pháp cần thiết để giải quyết tình trạng tắc đường. Chính phủ đang mua thêm tàu điện ngầm và xây dựng thêm đường mới nhằm giảm thiểu ùn tắc.

Tuy nhiên, sau bốn tháng, tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường tàu điện ngầm lại càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Một nghiên cứu năm 2014 của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản ước tính rằng khủng hoảng giao thông ở Metro Manila đang gây tổn thất cho nền kinh tế nước này khoảng 2,4 tỷ Peso (khoảng 42,6 triệu USD) mỗi ngày. Các khoản phí liên quan bao gồm chi phí bảo dưỡng xe và thời gian chết khi bị kẹt xe. Nếu không giải quyết, tổn thất mỗi ngày có thể tăng lên đến mức đáng báo động là 6 tỷ Peso (khoảng 106,6 triệu USD) vào năm 2030.

Bên cạnh thất thoát về mặt kinh tế, tình trạng giao thông còn tạo ra áp lực tâm lý không nhỏ lên người dân Philippines, khiến cho cuộc sống trong thành phố trở nên cực kỳ khó khăn. Điển hình là việc giá cả tăng vọt, tỷ lệ tội phạm gia tăng, ô nhiễm tiếng ồn và môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Xe jeepney được mệnh danh là “vua của đường phố” tại Philippines. (Nguồn: Inquirer)

Đi tìm lối thoát

Theo Philippine Daily Inquirer, chính phủ, thông qua Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan trực thuộc và Cơ quan Phát triển đô thị Manila, cần coi việc quản lý giao thông là ưu tiên hàng đầu. Trước hết, các chính quyền địa phương trong khu vực đô thị Metro Manila cần thống nhất các chính sách để đảm bảo sự liền mạch và hiệu quả của các hệ thống giao thông.

Thứ hai, chính phủ cần áp dụng nghiêm túc hệ thống vé đơn. Đây là hệ thống vé mà khách hàng chỉ cần mua một vé duy nhất để sử dụng cho tất cả các phương tiện giao thông công cộng trong một khu vực nhất định. Điều này có thể tạo ra sự khác biệt lớn qua việc thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe jeepney và tàu hơn là phương tiện cá nhân.

Thứ ba, nước này cũng cần lập kế hoạch cho tất cả các công trình xây dựng sao cho gây ít ảnh hưởng đến người dân nhất có thể.

Thứ tư, bất kỳ hành động ưu ái nào đối với các quan chức cấp cao cũng cần áp dụng các biện pháp răn đe.

Thứ năm, đối với các hành vi đậu xe bất hợp pháp, chính phủ có quyền thu giữ xe và nên áp dụng hình phạt với chủ sở hữu xe. Quốc hội cũng cần thông qua đạo luật cấm mua xe mới nếu người mua không đảm bảo được chỗ đậu xe.

Nghịch lý Braess

Việc xây dựng thêm đường có thể “phản tác dụng” với mục đích giảm tắc nghẽn giao thông, theo Philippine Daily Inquirer. Điều này được lý giải qua nghịch lý Braess, một hiện tượng toán học giải thích cách thức và lý do tại sao việc xây dựng càng nhiều đường cao tốc có thể dẫn đến ùn tắc giao thông nhiều hơn. Dẫn chứng chính là hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng ở Singapore, Tokyo và Hong Kong.

Nhìn chung, tắc nghẽn giao thông là một vấn đề phổ biến nhưng thực sự là một bài toán nan giải với chính phủ Philippines. Khu vực đô thị Metro Manila được "định vị" như nơi có tình trạng ùn tắc giao thông phức tạp nhất thế giới. Điều này đòi hỏi chính phủ Philippines cần đầu tư thích đáng vào quản lý giao thông nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của vấn nạn trên đối với kinh tế, môi trường và sức khỏe người dân.