Tòa trọng tài ở La Hay tổ chức tranh tụng kín cho vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan đến yêu sách phi pháp của Trung Quốc về Biển Đông. (Nguồn: PCA) |
Cách đây 5 năm, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết mang tính bước ngoặt, bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông, đồng thời khẳng định, không có bằng chứng nào chứng tỏ Bắc Kinh từng triển khai quyền kiểm soát độc quyền đối với tuyến hàng hải trọng yếu này trong lịch sử.
Thế nhưng, về cơ bản, sự kiện này có tác động rất nhỏ đến hành xử của Trung Quốc, khi nước này liên tục triển khai các hoạt động cải tạo đất và quân sự hóa, các tàu của họ cũng thường xuyên xâm phạm vùng biển của Philippines.
Sau nhiều năm có phần "thờ ơ" với phán quyết của PCA, năm 2020, Tổng thống Philippines Duterte đã tuyên bố tại Đại hội đồng Liên hợp quốc rằng, phán quyết “hiện là một phần của luật pháp quốc tế, nằm ngoài khả năng thỏa hiệp và giới hạn của các chính quyền đương nhiệm trong việc thu gọn, giảm nhẹ hoặc từ bỏ”.
Các quan chức khác của Philippines cũng đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ hơn về tầm quan trọng của phán quyết, trong đó đáng chú ý nhất là tuyên bố của Ngoại trưởng Teodoro Locsin hồi tháng 6 vừa qua: “Chúng tôi kiên quyết bác bỏ các âm mưu hòng phá hoại phán quyết; thậm chí xóa bỏ phán quyết khỏi luật pháp, lịch sử và ký ức chung của chúng tôi”.
Theo một cuộc thăm dò vào tháng 7/2020 do hãng tin Reuters công bố, người dân Philippines cũng tỏ ra ủng hộ một lập trường quyết đoán hơn đối với tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Khi Philippines đang chuẩn bị cho các cuộc thăm dò về kỳ bầu cử tổng thống năm 2022, đây chắc chắn sẽ là chủ đề nổi cộm trong các bài phát biểu vận động tranh cử.
Các học giả lập luận, Philippines khó có thể buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết song Manila chắc chắn có thể khiến Bắc Kinh phải trả một cái giá cao hơn vì không chịu thỏa hiệp.
Hơn nữa, Philippines cũng nên duy trì áp lực dư luận, bằng cách liên tục viện dẫn phán quyết, đồng thời làm rõ thái độ thiếu trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc thực thi các trách nhiệm quốc tế. Bên cạnh đó, cùng với ASEAN, Manila có thể yêu cầu đưa phán quyết vào Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), COC đang được ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy.
Việc Philippines nâng cao nhận thức về phán quyết sẽ ngăn chặn việc các nhà lãnh đạo tương lai của nước này phớt lờ phán quyết. Phán quyết chính là một đòn bẩy mà nước này rất vất vả mới giành được trong cuộc chiến tìm lại sự công bằng theo luật lệ ở Biển Đông.
| Vấn đề Biển Đông: Malaysia khẳng định lập trường, Mỹ bác bỏ những 'tuyên bố chủ quyền lãnh hải phi pháp' của Trung Quốc Ngày 14/7, tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng ngoại giao ASEAN-Mỹ được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Tun ... |
| Quân đội Philippines điều tra tàu Trung Quốc xả thải nghiêm trọng ở Biển Đông Ngày 13/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã yêu cầu quân đội nước này điều tra một báo cáo của công ty công ... |