Trợ lý Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho rằng, việc hàng trăm tàu Trung Quốc có dấu hiệu 'bành trướng' ở Biển Đông có thể dẫn đến 'những xung đột không mong muốn'. (Nguồn: Philippines Now) |
Theo ông Panelo, sự hiện diện trong thời gian dài của các tàu cá Trung Quốc ở gần bãi Đá Ba Đầu ở cụm đào Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa là động thái không được hoan nghênh trong quan hệ song phương và “có thể châm ngòi xung đột mà cả hai nước đều không mong muốn”.
Cũng theo quan chức trên, Philippines không "mù quáng" khi đánh giá các hành động hỗ trợ nhân đạo của Trung Quốc với việc vi phạm luật pháp quốc tế.
Phát biểu trên của ông Panelo được cho là tuyên bố mạnh mẽ nhất từ Văn phòng Tổng thống Philippines nhằm phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó, ngày 4/4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng cảnh báo, Trung Quốc đang tìm cách chiếm thêm nhiều khu vực ở Biển Đông, nhấn mạnh sự hiện diện liên tục của các tàu Trung Quốc tại cụm đảo Sinh Tồn.
Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã trao công hàm phản đối hành động của Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh sự hiện diện áp đảo của các tàu Trung Quốc tại cụm đảo Sinh Tồn đã tạo ra bầu không khí bất ổn và cho thấy Trung Quốc đang phớt lờ cam kết trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực.
Việc Trung Quốc đưa hơn 200 tàu hoạt động tại cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành động đánh dấu một bước leo thang đáng lo ngại ở Biển Đông.
Nhiều quốc gia đã bày tỏ lo ngại trước những động thái trên và yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức đưa các tàu ra khỏi khu vực này, chấm dứt hành động gây hấn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Người phát ngôn nhấn mạnh, hoạt động này vi phạm quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử giữa ở Biển Đông (COC).