Ngay trước thềm các hội nghị quan trọng này, nước chủ nhà đã tăng cường an ninh nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố, đảm bảo an ninh, an toàn cho các đại biểu.
Giới chức Philippines cho biết khoảng 13.000 cảnh sát đã được điều động để ngăn chặn nguy cơ tấn công khủng bố tại thủ đô Manila trong dịp diễn ra các hội nghị quan trọng của ASEAN cũng như với các đối tác, đặc biệt trong bối cảnh giao tranh giữa lực lượng quân đội chính phủ và các phần tử khủng bố vẫn đang diễn ra gay gắt tại thành phố Marawi, miền Nam nước này.
Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng siết chặt an ninh xung quanh Trung tâm Hội nghị quốc tế Philippines ở thành phố Pasay, phía Nam thủ đô Manila. Dự kiến, trong khoảng một tuần, từ ngày 2-8/8, sẽ có 1.700 nhân vật cấp cao tham dự hội nghị, bao gồm bộ trưởng và quan chức ngoại giao các nước ASEAN cùng các nước đối tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cảnh sát Philippines làm nhiệm vụ. (Nguồn: EPA) |
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) và các hội nghị liên quan như: ASEAN+1 với 10 Đối tác Đối thoại (PMC+1), ASEAN+3 với các nước Đông Bắc Á lần thứ 18 (APT-FMM 18), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 7 và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 24, các bộ trưởng sẽ tập trung thảo luận về tiến trình và hướng đi tương lai trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như chia sẻ quan điểm về việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực và quốc tế.
Lễ kỷ niệm chính thức 50 năm thành lập ASEAN sẽ diễn ra vào ngày 8/8. Dự kiến, các bộ trưởng sẽ ra Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN, tuyên bố của Chủ tịch EAS và các hội nghị khác sau kỳ họp APT và ARF. Đáng chú ý, các bộ trưởng dự kiến ra một tuyên bố riêng về khủng bố, một thách thức đang nổi lên tại khu vực cần có sự hợp tác chặt chẽ của các quốc gia.
Trước phiên họp AMM lần thứ 50 và các cuộc họp liên quan bắt đầu vào ngày 5/8, các quan chức cao cấp đã nhóm họp cho các cuộc họp quan chức cấp cao (SOM) từ ngày 2/8 để chuẩn bị nội dung đệ trình lên các bộ trưởng.
Chia sẻ trước thềm AMM 50 và các hội nghị liên quan, các chuyên gia cho rằng vấn đề chống khủng bố sẽ là trọng tâm chính được các bộ trưởng đưa ra bàn thảo tại chương trình nghị sự lần này.
Ông Malcolm Cook, chuyên gia về ASEAN, nhận định vụ khủng bố ở Bali, Indonesia 15 năm trước đã thức tỉnh khu vực về nguy cơ khủng bố, đặc biệt khi cuộc chiến chống khủng bố đang diễn ra ở Philippines. Các nước không chỉ đang phải đối đầu với các nguy cơ về an ninh truyền thống mà còn cả các mối nguy cơ khác như chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt tại các nước có bộ phận dân số là người Hồi giáo.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cũng nhấn mạnh rằng việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang thất bại ở khu vực Trung Đông kéo theo nguy cơ hiện hữu là chúng sẽ di tản sang các khu vực khác, trong đó Đông Nam Á vốn là khu vực có nhiều người Hồi giáo sinh sống có thể trở thành điểm đến của các phần tử Hồi giáo cực đoan này. Theo ông, cách thức đối phó với mối đe dọa này sẽ là một vấn đề quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia ASEAN.