Theo Cơ quan thống kê quốc gia Philippines (PSA), GDP nước này tăng trưởng mạnh mẽ 8,3% trong quý đầu tiên của năm 2022, vượt qua mức ghi nhận trước đại dịch. (Nguồn: HRM) |
Chính quyền mới, làn gió mới
Chính phủ mới của Philippines được kỳ vọng sẽ duy trì các kế hoạch và chính sách kinh tế dài hạn được thiết lập từ trước, với một loạt biện pháp tự do hóa nền kinh tế đã tạo tiền đề cho tăng trưởng hơn nữa vào năm 2022.
Cơ sở hạ tầng, công tác số hóa và bán lẻ trong một số lĩnh sẽ được chính phủ mới chú trọng, mang lại cơ hội đáng kể cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.
Philippines hiện là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong số các nước ASEAN khi vượt mức dự báo trung bình 6,6% vào quý I/2022.
Theo Cơ quan thống kê quốc gia Philippines (PSA), GDP nước này tăng trưởng mạnh mẽ 8,3% trong quý đầu tiên của năm 2022, vượt qua mức ghi nhận trước đại dịch. Con số này cao hơn mức tăng 7,8% trong quý II/2021 và là mức cao nhất trong khu vực ASEAN.
Bắt đầu từ tháng 3, Philippines đã đưa các biện pháp phòng dịch xuống Cảnh báo cấp độ 1, giảm cách ly các ổ dịch nhỏ và chuyển góc nhìn từ đại dịch sang bệnh địa phương. Các doanh nghiệp dần dần mở cửa trở lại và cơ hội việc làm gia tăng, nền kinh tế hồi phục.
Trong cùng tháng này, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm thấp nhất kể từ khi dịch bùng phát, chỉ còn 5,8%. Hiện tại, 4,4 triệu công việc được tạo ra so với trước đại dịch.
Các khoản đầu tư cũng tăng 20% trong quý I/2022, so với mức -13,9% của năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 2,4 tỷ USD, cao hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với thương mại, xuất khẩu tăng 10,3%, trong khi nhập khẩu tăng 15,6%.
Thành tựu kinh tế vững chắc giúp Philippines sẵn sàng hành động trước mọi rủi ro bên ngoài. Mục tiêu phát triển trong năm nay của nước này là 7-9%.
Trong tuyên bố hồi tuần trước, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã cam kết cải cách hệ thống thuế, đồng thời biến Philippines trở thành điểm đến đầu tư và du lịch.
Ông Marcos cho biết, chính phủ sẽ thực hiện quản lý chính sách tài khóa vững chắc và đặt mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay là 6,5-7,5%, đồng thời cảnh báo những khó khăn trước mắt trong việc bình ổn giá cả.
Chính sách nghị sự 10 điểm của Nhóm phát triển kinh tế Philippines (EDC) tiếp tục điều chỉnh các chương trình phục hồi kinh tế đất nước và đưa ra các chính sách tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, linh hoạt hơn và bao trùm hơn.
Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 4, mức dự báo mức tăng trưởng kinh tế cho Philippines năm nay là 6,5%, cao hơn so với dự báo năm ngoái 6,3%.
Báo cáo tương tự lại cho thấy tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại từ mức ước tính 6,1% vào năm 2021 xuống còn 3,6% vào năm 2022 và 2023, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Tổng thống Philippines Marcos Jr. tại lễ nhậm chức ngày 30/6. (Nguồn: Reuters) |
Hướng tới tăng trưởng bao trùm, bền vững
Trong bối cảnh quản lý ứng phó khẩn cấp đối với đại dịch, công tác cải cách của chính quyền mới ở Philippines hướng tới phục hồi và tăng trưởng bền vững bao trùm tiếp tục được chú trọng.
Quốc gia Đông Nam Á đã thúc đẩy các chương trình và điều luật mới, giúp biến nền kinh tế hướng nội thành điểm đến lý tưởng cho nhiều đầu tư nước ngoài, nhằm thúc đẩy tính bền vững, khả năng phục hồi và đổi mới kỹ thuật số.
Một ví dụ cho nỗ lực của chính phủ là khoản khấu trừ 100% chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các doanh nghiệp, bên cạnh việc cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, dưới chính sách phục hồi và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp (CREATE). Điều này nhằm nuôi dưỡng văn hóa phát triển và đổi mới sáng tạo, gia tăng số lượng công ty có năng lực cạnh tranh cao trong những năm tới.
Hệ thống ưu đãi thuế cũng được bổ sung bởi các sửa đổi Đạo luật Tự do hóa thương mại bán lẻ (RTLA), được ban hành vào tháng 12/2021, cùng với các sửa đổi Đạo luật Đầu tư nước ngoài (FIA) và Đạo luật Dịch vụ công (PSA), được thông qua thành luật vào tháng 3/2022.
Philippines cũng tham gia Cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đây là giải pháp hỗ trợ ASEAN bằng cách kết hợp tài chính công-tư để đẩy nhanh quá trình đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Điều này sẽ thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, tạo việc làm tại địa phương và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Philippines từng thiếu hụt đầu tư vào cơ sở hạ tầng dẫn đến tắc nghẽn và hoạt động kém hiệu quả ở các cảng, sân bay, cầu đường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng ở nước này đã tăng đáng kể, đạt mức trung bình 5% GDP, gấp đôi mức được ghi nhận trong 4 chính quyền trước đó.
Khoản chi tiêu trên được duy trì qua đại dịch nhờ kỷ luật tài chính và tài trợ qua cải cách thuế, khuyến khích các đối tác phát triển hỗ trợ Chương trình Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng (BBB) thông qua các khoản vay và trợ cấp ưu đãi. Chương trình này đã tạo ra 6,5 triệu việc làm từ năm 2016.
So với mức 2,6% chi tiêu GDP trong chính quyền trước đó, Chương trình BBB được dự báo sẽ tiếp tục đẩy nhanh chi tiêu cơ sở hạ tầng công lên trên 5%, với mục tiêu hiện đại hóa cơ sở hạ tầng toàn quốc, thúc đẩy phát triển kinh tế.