Tàu khu trục USS Fitzgerald của Mỹ neo đậu tại vịnh Subic (Nguồn: AFP). |
Đây là lần đầu tiên, vịnh Subic được sử dụng như một căn cứ quân sự của Philippines trong vòng 23 năm qua. Chuyên gia an ninh người Philippines Rommel Banlaoi nhấn mạnh: “Giá trị chiến lược của vịnh Subic đã được người Mỹ chứng minh. Các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc cũng biết điều đó”.
Từng là một trong những cơ sở Hải quân Mỹ lớn nhất thế giới, vịnh Subic bị đóng cửa năm 1992 sau khi Thượng viện Philippines hủy bỏ thỏa thuận về các căn cứ với Washington vào lúc kết thúc Chiến tranh Lạnh. Chính quyền Manila sau đó đã phát triển cơ sở này thành một vùng kinh tế.
Trên thực tế, các tàu chiến Mỹ thường xuyên ghé vịnh Subic kể từ năm 2000, nhưng chỉ neo đậu trong các cuộc tập trận với quân đội Philippines, hoặc sử dụng các địa điểm thương mại cho việc sửa chữa và tiếp tế nhiên liệu.
Giới quan sát nhận định, một khi vịnh Subic tái trở thành một căn cứ quân sự, Hải quân Mỹ có thể được tiếp cận nhiều hơn với khu vực này thông qua một thỏa thuận phòng thủ chung được ký kết hồi năm 2014, cho phép lực lượng Mỹ sử dụng các cơ sở quân sự của Philippines.
Bên cạnh đó, các chuyên gia an ninh cũng nhấn mạnh, vịnh Subic chỉ nằm cách bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham 270km, vốn bị Trung Quốc chiếm từ tay Philippines hồi năm 2012. Vì vậy, máy bay chiến đấu của Philippines đặt tại vịnh Subic có thể triển khai tới bãi Scarborough chỉ trong vài phút và các máy bay tuần tra hàng hải hay máy bay do thám có thể theo dõi toàn bộ các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông.
Q.C (tổng hợp)