Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines cho biết khoảng 200 tàu được cho là thuộc lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc tập trung ở Đá Ba Đầu trên Biển Đông. (Nguồn: AP) |
Thông tin trên được đưa ra ngay sau khi quân đội Philippines cho biết đã cử nhiều tàu chiến tới thực hiện "tuần tra chủ quyền" ở Biển Đông - nơi các tàu Trung Quốc đang vây quanh Đá Ba Đầu và từ chối rời đi.
Chính phủ Trung Quốc từng nhấn mạnh rằng các tàu cá của nước này đang tìm chỗ trú tạm, trong khi Manila khẳng định đây là lực lượng "dân quân".
Nhận định về tình hình hiện nay, nhà nghiên cứu Collin Koh tại Trường về quan hệ quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore cho biết: "Cuộc tập trận góp phần làm gia tăng căng thẳng. Dù tình hình lúc này dường như cho thấy sự kiềm chế của tất cả các bên liên quan nhưng không có gì là đảm bảo".
Hồi cuối tuần vừa qua, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines cho biết khoảng 200 tàu được cho là thuộc lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc tập trung ở Đá Ba Đầu trên Biển Đông. Philippines đã trao công hàm phản đối vấn đề này và yêu cầu các tàu trên rời khỏi khu vực.
Trả lời phóng viên trong cuộc họp báo chiều 25/3 trước thông tin 220 tàu Trung Quốc neo đậu tại rạn san hô Đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế: “Là quốc gia ven biển và là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập bởi công ước này”.