Quân đội Mỹ-Philippines trong một lần tập trận chung ở Biển Đông. (Nguồn: Philstar) |
Ngày 23/3, các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc và Philippines đã gặp nhau tại Manila để thảo luận về quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh xuất hiện nhiều vấn đề gai góc, bao gồm cả việc Bắc Kinh lo ngại về quyết định của Manila cho phép quân đội Mỹ mở rộng sự hiện diện của họ ở khu vực phía Bắc của nước này và tranh chấp ở Biển Đông ngày càng leo thang.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết các cuộc thảo luận ngày 24/3 sẽ tập trung vào các tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên diễn ra các cuộc họp liên tiếp như vậy dưới thời Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 6/2022.
Bắc Kinh ngày càng quyết đoán, Manila cứng rắn
Tổng thống Philippines đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh vào tháng 1, khi đó cả hai nhà lãnh đạo đã nhất trí mở rộng quan hệ, theo đuổi các cuộc đàm phán về khả năng cùng thăm dò dầu khí và quản lý các tranh chấp một cách thiện chí.
Tuy nhiên, thực tế chỉ tính từ năm ngoái đến nay, chính quyền Philippines đã gửi ít nhất 77 trong số hơn 200 công hàm ngoại giao của Philippines nhằm phản đối các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cũng phải kể đến sự cố ngày 6/2 vừa qua khi một tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc chiếu tia laser cấp độ quân sự khiến một số thành viên thủy thủ đoàn của một tàu tuần tra Philippines bị mù tạm thời. Philippines đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Manila để bày tỏ lo ngại về vụ việc, nhưng Bắc Kinh nói rằng lực lượng bảo vệ bờ biển của họ đã sử dụng một thiết bị laser vô hại để theo dõi chuyển động của tàu Philippines.
Đầu tháng trước, chính quyền Philippines tuyên bố sẽ cho phép các lực lượng Mỹ luân phiên đồn trú vô thời hạn tại 4 doanh trại quân sự nữa của Philippines.
Trước đó, Mỹ đã được phép tiếp cận 5 căn cứ khác của Philippines theo một hiệp ước phòng thủ được ký năm 2014 giữa hai đồng minh hiệp ướp lâu năm.
Ngày 22/3, Tổng thống Marcos cho biết trong 4 địa điểm quân sự mới sẽ bao gồm cả các khu vực ở miền Bắc Philippines. Hơn nữa, Mỹ cũng sẽ có quyền tiếp cận các khu vực quân sự trên tỉnh đảo Palawan ở phía Tây Philippines.
Theo phía Philippines, sự hiện diện quân sự của Mỹ theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) năm 2014 là nhằm củng cố phòng thủ bờ biển.
Khi được hỏi về phản ứng của Bắc Kinh trước quyết định của Philippines, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 22/3 nói rằng hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia “cần phải có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực và không nhằm vào hoặc gây hại cho lợi ích của bất kỳ bên thứ ba nào”.
Một tuyên bố gần đây của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã tỏ ra thẳng thắn hơn và cảnh báo rằng sự hợp tác an ninh của chính phủ Manila với Washington “sẽ kéo Philippines vào vực thẳm của xung đột địa chính trị và cuối cùng sẽ gây thiệt hại cho sự phát triển kinh tế của nước này”.
Tình hình phức tạp
Hai quan chức cấp cao của Philippines khi trả lời AP đã nhấn mạnh rằng chính phủ Philippines sẽ mở rộng EDCA, cho phép các lực lượng Mỹ và các trang thiết bị quốc phòng của họ được phép hiện diện tạm thời tại Philippines.
Thỏa thuận EDCA được ký vào năm 2014, ban đầu có hiệu lực trong 10 năm và sẽ tự động duy trì hiệu lực trừ khi một trong hai bên chấm dứt bằng văn bản thông báo trước 1 năm.
Tình hình trên Biển Đông đang ngày càng phức tạp.
Reuters đưa tin trong tuyên bố được đưa ra hôm 23/3, quân đội Trung Quốc cho biết Hải quân nước này đã theo dõi và "tiến hành xua đuổi" tàu khu trục tên lửa USS Milius khi con tàu này đang đi vào biển quanh khu vực đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở Biển Đông.
Hải quân Mỹ sau đó đã lên tiếng phản bác tuyên bố của quân đội Trung Quốc, đồng thời khẳng định tàu khu trục của lực lượng này đang trong quá trình "thực hiện các hoạt động thường lệ" tại Biển Đông. Phía Mỹ cũng nhấn mạnh tàu USS Milius đã "không bị xua đuổi".
"Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động đường không và đường thủy trong khu vực dựa theo quy định của luật pháp quốc tế", tuyên bố của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ viết.
Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc.
| Philippines sắp công khai 4 căn cứ mà Mỹ được tiếp cận, cùng thảo luận cách siết tình đồng minh Ngày 22/3, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cho biết, ông sẽ sớm đưa ra thông báo chính thức về các địa điểm của 4 ... |
| Cho phép Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ quân sự hơn, Philippines giải thích thế nào? Ngày 2/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez đã giải thích về quyết định của nước này cho phép Mỹ tiếp cận nhiều căn ... |
| Giữa lúc căng thẳng về chủ quyền, Philippines lại phát hiện tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ Ngày 4/3, Philippines thông báo đã phát hiện một tàu hải quân Trung Quốc và hàng chục tàu dân quân ở khu vực gần đảo ... |
| Biển Đông: Mỹ tuyên bố ủng hộ COC ràng buộc về pháp lý, nói yêu sách phải dựa trên luật pháp quốc tế Mỹ mới đây khẳng định ủng hộ ASEAN và Trung Quốc đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính ràng ... |
| Ấn Độ và Australia đồng quan điểm về COC, kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Nhóm Bộ Tứ Vấn đề xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) là một trọng tâm trong tuyên bố chung sau ... |