📞

Phim/kịch truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ: Sức mạnh mềm không thể chối cãi

19:58 | 23/11/2014
Phủ sóng Trên khoảng 40 quốc gia và còn tiếp tục gia tăng, phim/kịch truyền hình đang ngày một chứng tỏ là một công cụ để phô diễn sức mạnh mềm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cảnh Tuba Bykstn trong phim.

Để chắc chắn, bạn chỉ cần đặt câu hỏi về vấn đề này cho những người hâm mộ của Tuba Bykstn, nữ diễn viên nổi tiếng ở Dubai, Moscow và Monte-Carlo. Cô hiện là một trong những gương mặt truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng nhất ở Trung Đông.

Tác giả Emrah Gler trong một bài viết đăng trên Hurriyet Dailynews (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết, trong cuộc thăm dò gần đây, Tuba Bykstn là một trong những cái tên phổ biến nhất trong thế giới Ả Rập. Thậm chí, sản phẩm búp bê mang hình ảnh của cô đã trở thành một mặt hàng được nhiều người Nga cất công sưu tập. Là cái tên quen thuộc trên màn ảnh nhỏ Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn một thập kỷ, Bykstn đã giành được nhiều giải thưởng từ Serbia, tới Montenegro và cả Monte-Carlo. Bộ phim truyền hình nổi tiếng của cô có tên Asi đã được trình chiếu ở 67 quốc gia.

Thời gian qua, Bykstn đã thực sự là một hình ảnh sống trên sóng của mạng lưới truyền hình Saudi Arabia của ông trùm truyền thông Sheik Waleed al-Ibrahim trụ sở tại Dubai. Người ta còn rỉ tai nhau rằng Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani là một trong những người hâm mộ lớn nhất của cô. Vừa qua, cô đã được đề cử cho giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại giải Emmy quốc tế năm 2014.

Công cụ ngoại giao kinh tế hiệu quả

Theo Emrah Gler, chỉ trong hơn một thập kỷ qua, phim bộ và kịch truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một hiện tượng văn hóa, cả ở Thổ Nhĩ Kỳ và 40 quốc gia khác, một công cụ thể hiện sức mạnh mềm không thể chối cãi và có tầm quan trọng về kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với những biến động nhanh chóng trong đời sống chính trị trong nước và toàn cầu. Quy mô sản xuất các bộ phim, kịch như vậy đang ngày càng lớn hơn với những phục trang và phối cảnh cầu kỳ, những ngôi sao đắt giá và mô típ kịch bản cường điệu hóa, lặp đi lặp lại cho thấy sự phân hóa giai tầng trong xã hội.

Những con số của Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy phim bộ/kịch truyền hình đã trở thành hiện tượng như thế nào. Hơn 15.000 giờ phát sóng phim truyền hình đã được bán trong hai năm qua tới 75 quốc gia, mang lại doanh thu gần 200 triệu USD. Nếu trong năm 2007, con số này chỉ là 1 triệu USD, thì khoản thu dự kiến năm 2023 là 1 tỷ USD.

Gần 100 bộ phim truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua biên giới lãnh thổ sang Trung Đông, các nước vùng Balkans, vùng Caucasus, thế giới Ả Rập, và thậm chí tới Afghanistan, Pakistan và Thụy Điển. Những bộ phim được yêu thích như Yaprak Dưkm (Fallen Leaves – Lá rụng), Bir Istanbul Masalý (An Istanbul Tale - Một chuyện kể về Istanbul), Annem (Mother – Mẹ), Kurtlar Vadisi (Valley of the Wolves – Thung lũng sói)... đã được phát sóng truyền hình vào những giờ vàng ở các quốc gia như Iraq, Iran, Ai Cập, Bulgaria, Hy Lạp, Macedonia, Nga và Kazakhstan.

“Vũ khí” chiếm lĩnh trái tim khán giả

Trong năm 2012, lãnh đạo Macedonia từng đùa rằng sẽ ra luật hạn chế việc phát sóng các phim bộ truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ. "Những bộ phim và kịch rất hấp dẫn, nhưng để người Thổ Nhĩ Kỳ làm việc này suốt 500 năm là đủ rồi". Nhận xét đó là của Bộ trưởng Bộ Xã hội Thông tin Ivo Ivanovski. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Quỹ nghiên cứu kinh tế và xã hội Thổ Nhĩ Kỳ (TESEV) tại 16 quốc gia Trung Đông, cứ bốn người thì có ba người xem phim truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi chỉ một số phim là miêu tả bức tranh thực tế về cuộc sống của tầng lớp trung lưu Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn bộ phim/kịch truyền hình nổi tiếng nhất lại có kết cấu như những vở opera Latinh dài tập, vốn đã từng ghi dấu một thời hoàng kim của văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ những năm 1980. Kịch/phim bộ truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ thường đặt sự hào nhoáng quyến rũ của cuộc sống tầng lớp quý tộc bên cạnh những đàn áp phong kiến ở nông thôn. Lồng trong đó là những câu chuyện tình yêu mạo hiểm và trò chơi quyền lực với tất cả các nguyên mẫu cổ điển của một vở opera nhiều kỳ.

Sự phân tầng giai cấp trong hầu hết tác phẩm này rất rõ ràng, thậm chí thường có những khác biệt đẳng cấp khác xa với thực tế trong xã hội. Những người giàu thường có tư cách đạo đức đáng ngờ, trong khi người nghèo thường vô cùng coi trọng danh dự và đạo đức.

Theo quan điểm của nhiều khán giả nước ngoài, các bộ phim truyền hình như thế này còn được làm ra để phục vụ mục đích tăng cường thu hút du lịch cho đất nước, đặc biệt là Istanbul.

"Tôi yêu kịch/phim bộ Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì chúng rất lãng mạn và vì thiên nhiên tuyệt đẹp của đất nước này, nhất là biển trời và núi đồi. Tôi nghĩ rằng những cảnh phim về thiên nhiên như vậy đã thu hút du khách tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ”, Merna Hossam, một chuyên gia về truyền thông xã hội Ai Cập cho biết. "Ngoài ra người ta cũng thấy đây là một nơi sạch sẽ với những địa danh và những tòa nhà sạch đẹp. Nói chung, khi xem, những loạt phim về Thổ Nhĩ Kỳ mang lại cho tôi cảm giác bình yên và thư giãn".

Nhà nghiên cứu Mohamed Zayed cho rằng “cuộc xâm lăng” và sự phổ biến của những loạt phim/kịch Thổ Nhĩ Kỳ trong thế giới Ả Rập ngày càng rộng lớn. Một trong những nhân vật được Zayed phỏng vấn, Dalia Ahmed, nói: "Tôi bị thu hút với những loạt phim này bởi vì chúng có kịch bản đa dạng, cảnh quan tuyệt đẹp còn âm nhạc thì vượt mọi giới hạn. Rất nhiều bài hát tuyệt vời về các di sản của Thổ Nhĩ Kỳ được chúng tôi sử dụng làm nhạc chuông cho điện thoại. Diễn xuất tốt, ngoại hình đẹp của các nhân vật chính cũng là một điểm cộng”.

Đông Nhi (tổng hợp)