Ông Lee Jae-yong đang bị xét xử vì tội hối lộ, liên quan đến vụ bê bối tham nhũng làm chấn động ở Hàn Quốc khiến Tổng thống tiền nhiệm Park Geun-hye bị phế truất.
Tại phiên cuối cùng trong phiên tòa xét xử ông Lee, các công tố viên cáo buộc ông Lee Jae-yong là "người hưởng lợi cuối cùng" trong vụ bê bối tham nhũng trên và yêu cầu tòa kết án 12 năm tù.
Ông Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch Samsung. (Nguồn: AP) |
Hồi đầu năm nay, ông Lee bị truy tố cùng với 4 bị cáo khác về tội đưa hối lộ 43,3 tỷ Won (khoảng 38 triệu USD) để đổi lấy việc Chính phủ Hàn Quốc hậu thuẫn vụ sáp nhập 2 chi nhánh của Tập đoàn Samsung vào năm 2015, tham nhũng, khai man và một số vi phạm khác có liên quan tới vụ bê bối chính trị làm rung động Hàn Quốc hồi năm 2016.
Vụ việc xoay quanh bà Choi Soon-sil, một người bạn thân của bà Park Geun-hye. Bà Choi bị cáo buộc đã lợi dụng mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Park để ép các công ty trong nước "quyên góp" gần 70 triệu USD vào 2 quỹ do bà này thành lập, sử dụng một phần quỹ vào mục đích cá nhân. Vụ bê bối này chính là lý do khiến bà Park Geun-hye bị phế truất.
Dự kiến, tòa án sẽ ra phán quyết về vụ việc liên quan ông Lee Jae-yong vào cuối tháng này và phán quyết có thể ảnh hưởng đến vụ xét xử bà Park và bà Choi đang diễn ra.
Samsung, hãng điện tử lớn nhất Hàn Quốc với doanh thu tương đương 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, là "mạnh thường quân" chính của các quỹ mờ ám kể trên. Việc Phó Chủ tịch Lee Jae-yong bị bắt giữ đã gây chấn động lớn trong nội bộ Tập đoàn Samsung, đồng thời buộc tập đoàn này phải cải tổ phương thức quản lý.
Vụ việc cũng khiến Samsung phải hứng chịu nhiều chỉ trích về cách thức quản lý khi ưu tiên bổ nhiệm những thành viên trong gia đình bất chấp việc những người này có thể đã có những việc làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Tập đoàn.