Lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Vụ Tổng hợp kinh tế trước trụ sở Bộ Ngoại giao. |
Từ nhận thức đến hành động
Quyết định số 30/CP ngày 27/02/1974 của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Vụ Kinh tế đã xác định những nhiệm vụ chủ yếu của công tác ngoại giao kinh tế, trong đó bao gồm việc nghiên cứu tham gia ý kiến hoặc đề xuất ý kiến với các cơ quan có trách nhiệm về các vấn đề quan hệ kinh tế, khoa học, kỹ thuật giữa nước ta với các nước trên thế giới; hướng dẫn các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở các nước về việc tổ chức sưu tầm các tiến bộ kinh tế, khoa học, kỹ thuật ở nước ngoài. Công tác ngoại giao kinh tế, với quyết định này, đã có được những cơ sở và chỉ đạo cụ thể đầu tiên cho quá trình triển khai thực hiện trong những giai đoạn tiếp theo. Nhiệm vụ chính của Vụ Kinh tế, sau này là Vụ Tổng hợp Kinh tế, là cùng với các đơn vị trong ngành Ngoại giao triển khai có hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế nhằm góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong những năm đầu thành lập, nhân sự của Vụ Kinh tế chỉ có 14 người, phần lớn là những cán bộ được đào tạo về nghiệp vụ ngoại giao trong khi việc triển khai các nhiệm vụ ngoại giao kinh tế đòi hỏi những hiểu biết căn bản và toàn diện về kinh tế, khoa học kỹ thuật và nhiều lĩnh vực chuyên ngành. Bằng sự say mê, nỗ lực và được sự động viên, hướng dẫn của lãnh đạo Bộ Ngoại giao như nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, đội ngũ cán bộ của Vụ Tổng hợp Kinh tế đã từng bước trưởng thành và có những đóng góp cụ thể vào việc triển khai nhiều chủ trương, chính sách của thời kỳ Đổi mới.
Trong thập niên 1980, Vụ Tổng hợp Kinh tế đã cùng với các đơn vị trong Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu, nghiên cứu và cung cấp nhiều thông tin, kiến thức về những vấn đề "mới mẻ" liên quan đến kinh tế thị trường như: đầu tư nước ngoài, hỗ trợ phát triển chính thức, tài chính-tiền tệ, chống lạm phát… cho các cơ quan trong nước. Các cán bộ của Vụ Tổng hợp Kinh tế đã nỗ lực biên dịch và góp phần vào việc xuất bản cuốn sách Kinh tế thị trường của nhà kinh tế Paul Samuelson, qua đó cung cấp một tài liệu tham khảo hữu ích cho các cán bộ quản lý kinh tế các cấp, đồng thời cũng là cuốn sách được nhiều đồng chí Lãnh đạo Cấp cao của Đảng và Nhà nước quan tâm nghiên cứu.
Những giai đoạn tiếp theo, các thế hệ cán bộ Vụ Tổng hợp Kinh tế tiếp tục nỗ lực tham gia nhiều hoạt động ngoại giao kinh tế quan trọng, bao gồm bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước đối tác và các thể chế tài chính quốc tế, từng bước tăng cường sự phối hợp công tác giữa ngành Ngoại giao với các cấp, các ngành trong các hoạt động kinh tế đối ngoại.
Cùng với chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiệm vụ của công tác ngoại giao kinh tế ngày càng được đa dạng hóa theo hướng bám sát yêu cầu phát triển đất nước. Khuôn khổ triển khai ngoại giao kinh tế từng bước được hoàn thiện với việc ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng như Nghị định số 08/2003/NĐ-CP về hoạt động của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế (ngày 08/02/2003), Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam năm 2009…
Năm 2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TW về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa theo phương châm "thông tin-tham mưu; đột phá-mở đường; đồng hành-hỗ trợ; đôn đốc triển khai". Là đơn vị đầu mối của Ban Chỉ đạo ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao, Vụ Tổng hợp Kinh tế đã tích cực cùng với Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương và các đơn vị trong ngành Ngoại giao nâng cao hiệu quả của công tác ngoại giao kinh tế, bao gồm nghiên cứu, tham mưu về các vấn đề kinh tế quốc tế và trong nước, đóng góp vào hoạt động điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngành Ngoại giao cũng đã góp phần vào quá trình đa dạng hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại, mở ra các thị trường xuất khẩu cho đất nước, thu hút nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài khác, đồng thời hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, địa phương đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoại giao kinh tế trong giai đoạn mới
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, bên ngoài thì chủ động, tích cực tham gia tạo dựng "luật chơi" quốc tế; bên trong thì tập trung cho ba đột phá chiến lược về thể chế kinh tế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Có thể nói, đây là giai đoạn then chốt để đưa nước ta bước vào thời kỳ phát triển bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Trong bối cảnh này, những yêu cầu đặt ra cho ngành Ngoại giao nói chung và công tác ngoại giao kinh tế nói riêng nhằm đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển đất nước ngày càng lớn.
Nhận thức rõ điều này, ngành Ngoại giao đã ban hành Đề án định hướng công tác ngoại giao kinh tế đến năm 2020 (ngày 3/4/2013) và gần đây nhất là Chỉ thị số 03/CTBT/2014 của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về các biện pháp tăng cường công tác ngoại giao kinh tế giai đoạn 2014-2015 (ngày 2/7/2014), trong đó nhấn mạnh cần bám sát nhu cầu phát triển của đất nước, xây dựng chiến lược bài bản trong quan hệ với từng đối tác, nhằm đưa quan hệ kinh tế với các nước đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ hơn nữa nội hàm kinh tế và chính trị; chú trọng đa dạng hóa các quan hệ kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; thực hiện đồng thời mục tiêu bảo vệ an ninh chủ quyền lãnh thổ gắn liền với phát triển đất nước, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế của Bộ Chính trị.
Có thể nói, việc triển khai những nhiệm vụ ngoại giao kinh tế trong thời gian tới đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ các đơn vị trong ngành Ngoại giao, trong đó có Vụ Tổng hợp Kinh tế với vai trò đơn vị đầu mối. Đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ mới song với truyền thống của đội ngũ cán bộ ngoại giao đoàn kết, có năng lực, phẩm chất tốt và sự nỗ lực, sáng tạo, tập thể Vụ Tổng hợp Kinh tế sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tích mới trong thời gian tới.
Trong các năm 2004 và 2009, Vụ Tổng hợp Kinh tế đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Hai do Nhà nước trao tặng. Những năm gần đây, Vụ đều được tặng Cờ thi đua của Chính phủ và Bộ Ngoại giao, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Năm 2014 - năm đánh dấu chặng đường 40 năm thành lập đơn vị - Vụ Tổng hợp Kinh tế vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
An Sinh