Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp Ngoại trưởng Argentina Susana Mabel Malcorra. (Ảnh: Lê Dương/Vietnam+) |
Trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Argentina Susana Mabel Malcorra, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Argentina, đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh.
Hai bên bày tỏ vui mừng quan hệ hợp tác song phương thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực, nổi bật là trao đổi thương mại hai chiều duy trì đà tăng liên tục. Hai bên nhất trí trong thời gian tới, hai bên cần thúc đẩy tăng cường trao đổi đoàn các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước; tiếp tục đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác song phương, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hợp tác song phương, nhất là trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, hải quan, tài chính - ngân hàng, khoa học công nghệ, kiểm dịch động - thực vật.
Trong cuộc tiếp Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Italy Pier Ferdinando Casini và Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Italy Fabrizio Cicchitto, hai bên bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ song phương kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013.
Phó Thủ tướng chúc mừng Italy trở thành Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2017-2018. Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Hạ viện Italy tháng 3/2016 vừa qua hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA) cũng như việc EU và Việt Nam tiến tới ký, triển khai FTA, tạo điều kiện cho quan hệ thương mại, kinh tế, đầu tư giữa hai nước phát triển.
Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Italy đánh giá cao sự phát triển năng động của Việt Nam và tin tưởng rằng trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư Italia.
Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Italy ủng hộ việc cần duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).