Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. (Nguồn: Báo Nhân Dân) |
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, việc xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không là Điều ước quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế; bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng Luật, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của dự án Luật, cần tham khảo rộng rãi, thực chất ý kiến tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học; Phải đảm bảo quy phạm hoá 4 chính sách đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua tại giai đoạn Đề nghị xây dựng Luật.
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, về tính hợp hiến, hợp pháp và tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, ý kiến thẩm tra cho rằng, Dự án Luật phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Chủ nhiệm Ủy ban nêu rõ, Thường trực Ủy ban Đối ngoại nhận thấy Hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị công phu, đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9. Do đó, Ủy ban thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại Phiên họp. |
Tại Phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết xây dựng Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế với các lý do đã phân tích tại Tờ trình và Báo cáo thẩm tra; đánh giá cao sự nỗ lực của Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị Dự án Luật công phu, kỹ lưỡng, Hồ sơ Dự án Luật tương đối đầy đủ.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận Quốc tế; đánh giá cao Chính phủ đã có sự chuẩn bị bước đầu về Hồ sơ Dự án Luật. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch đề nghị cần làm rõ cấp độ nào là thỏa thuận, cấp độ nào là điều ước và tính pháp lý cụ thể ra sao. Đồng thời làm rõ, thỏa thuận quốc tế có mối quan hệ như thế nào trong hệ thống pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, cần cân nhắc nội dung về cơ quan có thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế đối với các cấp quy định trong Dự án Luật.
Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ sự băn khoăn về quy định thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh UBND cấp xã. Ngoài ra, về vấn đề ngôn ngữ, đề nghị Dự án Luật cần quy định cơ quan nào sẽ đảm bảo vấn đề chính xác về ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Nguồn: Báo Nhân Dân) |
Cũng tham gia thảo luận tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đánh giá cao sự phối hợp giữa Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra; tuy nhiên liên quan đến quy định cấp nào được nhân danh ký thỏa thuận quốc tế thì cần tính toán thêm. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, thực tế chính quyền cấp xã không có bộ máy giúp việc, dó đó, nên xem xét quy định nhân danh ký thỏa thuận quốc tế từ cấp huyện trở lên.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành sự cần thiết nâng Pháp lệnh về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế lên thành Luật Thỏa thuận quốc tế, tính thống nhất của Dự án Luật trong hệ thống pháp luật tương đối cao; tuy nhiên vẫn cần tiếp tục rà soát từ khâu giải thích từ ngữ, phạm vi điều chỉnh để tránh những quy định trùng lắp hoặc xung đột. Về chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế trong tình hình mới, Dự án Luật quy định chưa đầy đủ một số chủ thể đối với các cơ quan thuộc Quốc hội, các đơn vị sữ nghiệp công lập…
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra rằng các hành vi nghiêm cấm quy định tại Điều 8 của Dự án Luật còn rất chung chung, đề nghị cần rà soát để quy định cụ thể hơn, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện. Đồng thời, cần quy định rõ ràng trong văn bản thỏa thuận quốc tế phải có 1 trong 2 bản là tiếng Việt để khẳng định và đề cao ngôn ngữ quốc gia.
Kết luận một số nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí nâng Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế lên thành Luật Thỏa thuận quốc tế; Đề nghị Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra và các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan tiếp thu các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện Dự án Luật; Đề nghị Ủy ban Đối ngoại tiến hành thẩm tra chính thức Dự án Luật và gửi xin ý các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đảm bảo cho việc trình ra Quốc hội tại Kỳ hợp tới đây.