- Thưa Phó Thủ tướng, tại Hội nghị AMM49 vừa qua ở Vientiane (Lào), vấn đề Biển Đông đã được đặt ra và nhiều quốc gia trong khu vực đã nêu ý kiến về vấn đề này. Dù có một tuyên bố về Biển Đông, các nước ASEAN cũng đã có tranh luận, ý kiến đối lập, thể hiện quan điểm rất khác nhau?
- Đương nhiên phải tranh luận nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải duy trì được vai trò trung tâm đoàn kết trong ASEAN trên tất cả các vấn đề của khu vực. Từ trước đến nay, nhiều nhà quan sát vẫn cho rằng, trong ASEAN, các nước không đạt được đồng thuận. Nhưng hội nghị AMM lần này tại Lào đã chứng minh về khối đoàn kết chung, hội nghị đã đạt được Tuyên bố chung. Trong lời văn của tuyên bố chung, các vấn đề liên quan đến Biển Đông đã đạt được tất cả các yếu tố, kết quả của việc hợp tác trong khối từ trước đến nay.
Và thậm chí, còn hơn thế nữa, hội nghị là sự khẳng định lại việc các nước ASEAN tiếp tục quan tâm, lo ngại về tình hình Biển Đông, về các hoạt động gây căng thẳng, trong đó có vấn đề cải tạo các đảo.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. (Ảnh: Dân Trí) |
Vấn đề thứ hai ASEAN thống nhất quan điểm là các bên phải kiềm chế, trong đó có cả kiềm chế các hoạt động gây ra căng thẳng.
Thứ ba, tuyên bố chung của các nước trong ASEAN cũng nhắc lại nguyên tắc, phải giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước luật Biển 1982.
- Nhưng vấn đề mà dư luận quan tâm là tuyên bố này không đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc vừa qua và các biện pháp ngoại giao pháp lý?
- Vì trên thực tế, điều đó đã được khẳng định ngay tại phần đầu tiên, trong mục xây dựng cộng đồng ASEAN và xây dựng cộng đồng cho đến năm 2025. Các quốc gia ASEAN đã đưa ra một nguyên tắc mà từ trước đến nay các văn kiện chưa đưa ra, đó là nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, và phải tôn trọng các biện pháp pháp lý và ngoại giao trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển.
Tại sao phải gắn giữa Công ước Luật Biển với các biện pháp ngoại giao pháp lý, vì đó là điều mà các nước muốn nói với hàm ý khu vực Đông Nam Á có vấn đề gì nổi lên ngoài việc vấn đề trên biển, gắn với vấn đề trên biển.
Như thế nghĩa là dù vấn đề phán quyết của Tòa Trọng tài không được nêu trong tuyên bố chung phần Biển Đông nhưng mà lại được đề cập ở phần trang trọng là xây dựng cộng đồng với các nguyên tắc. Đó là thành công lớn của hội nghị lần này. Việc khẳng định lại vai trò trung tâm của ASEAN và tinh thần đoàn kết của khối thì dù không nói đến vụ kiện nhưng những lời văn như vậy là những hàm ý rất lớn.
- Quan điểm của các quốc gia Đông Nam Á về Tòa Trọng tài trong quá trình trao đổi tại AMM thế nào, thưa Phó Thủ tướng?
- Đây là vụ kiện pháp lý giữa Philippinnes và Trung Quốc nên tại hội nghị có nước đề cập, có nước không, các nước có đề cập cũng thực hiện với những cách thức khác nhau. Ví dụ, với Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao của ta đã nói là hoan nghênh việc ra tuyên bố và tiếp tục nghiên cứu vì Việt Nam là nước nằm ở khu vực Biển Đông, có lợi ích trong khu vực này. Nhiều nước khác trong ASEAN thì nói là ghi nhận phán quyết này. Còn một số nước không đề cập trực tiếp đến vụ kiện nhưng nói, trong bối cảnh hiện nay mong muốn giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển.
Còn các nước ngoài khu vực, tùy từng mức độ khác nhau, có nước hoan nghênh, nước thì cho rằng, đây là phán quyết mang tính chất cuối cùng, không có yêu cầu bắt buộc phải sử dụng. Đương nhiên cũng có những nước không chấp nhận phán quyết của Tòa.
Trong khuôn khổ Hội nghị AMM, tại các cuộc họp (hội nghị có 16 cuộc họp - PV), các cấp Bộ trưởng khác nhau với các đối tác khác nhau thì mức độ tác động, quan hệ, các nước có những đề cập cụ thể.
- Nhưng thưa Phó Thủ tướng, thực tế hiện nay, không thể phủ nhận những tác động bên ngoài đang chi phối, giằng xé ASEAN. Dư luận và nhiều chuyên gia đánh giá về những “mắt xích yếu” trong khối đã bộc lộ mà đó cũng mà một trong những nguyên nhân khiến COC (Bộ quy tắc ứng xử chung trên biển giữa ASEAN và Trung Quốc) chưa thể thúc đẩy tiến triển thêm được?
- ASEAN là một tập thể của các quốc gia đa dạng về văn hóa, đa dạng về các thể chế. Việc tập hợp của các nước đa dạng về văn hóa, đa dạng về thể chế có nghĩa các nước phải có chung một giá trị để cùng nhau tôn trọng. ASEAN hành động vì giá trị chung nhưng đồng thời cũng cần phải quan tâm đến sự riêng biệt của từng nước. Vấn đề là làm sao để trên tất cả sự đa dạng đó, các quốc gia vẫn tập trung được vào trong khối với cung một mục đích lớn nhất là phát triển, hòa bình, hữu nghị, và phát triển phồn thịnh của ASEAN.
- Có ý kiến cho rằng, khi có quan điểm khác nhau, thậm chí là có nước phản đối thì cơ chế quyết định cần đưa ra là thiểu số phục tùng đa số?
- Hiện nay, cộng đồng chung các nước Đông Nam Á đang hoạt động theo Hiến chương của ASEAN. Trong Hiến chương của ASEAN có các nguyên tắc cơ bản, một trong số đó là nguyên tắc đồng thuận. Phải nói rằng, để giữ được vai trò trung tâm trong khu vực là vì ASEAN có được một sự đoàn kết trong nội khối, đoàn kết tạo cơ sở, sức mạnh cho ASEAN.
Từ trước đến nay, không phải chỉ tổ chức ASEAN hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận mà nhiều tổ chức khác, như cộng đồng Châu Âu EU cũng thống nhất với nguyên tắc đồng thuận. Trong ASEAN, nguyên tắc này đang được duy trì mà có thay đổi hay không thì cần phải xem xét, thay đổi Hiến chương. Đó là một chuyện khác, còn nói cụ thể là tại hội nghị lần này, kết quả đạt được chứng tỏ rằng các nước trong ASEAN vẫn tạo được khối đoàn kết, tạo được sự nhất trí và ra được tuyên bố chung.
- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, AMM lần thứ 49 không chỉ có một tuyên bố chung được ban hành mà kèm theo đó còn có 3 tuyên bố hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Đó là tuyên bố của các Ngoại trưởng về vấn đề duy trì hòa bình an ninh, nhắc lại các nguyên tắc của ASEAN và yêu cầu các nước ở bên ngoài phải tôn trọng vai trò đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN. Rồi tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc, đưa ra một nguyên tắc quan trọng là yêu cầu thực hiện đầy đủ DOC và tiến tới xây dựng COC. Sau nữa là tuyên bố nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC) - nền tảng để xây dựng ASEAN, trong đó nêu bật vai trò trung tâm của ASEAN, vai trò của các nước đang phải duy trì tôn trọng hòa bình ổn định trong khu vực. Ba tuyên bố đó cộng với tuyên bố chung của ASEAN tạo nên một điểm nhấn với hai yêu cầu, đó là, duy trì vai trò trung tâm đoàn kết và duy trì hòa bình ổn định trong khu vực. Điều đó cũng hàm ý, với tất cả các nước đối tác bên ngoài ASEAN là phải tôn trọng sự đoàn kết và vai trò trung tâm của khối; yêu cầu các nước phải đảm bảo, duy trì hòa bình ổn định ở khu vực. |