Sáng 13/1, đoàn công tác của Chính phủ do Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cà Mau về phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, năm 2017, tình hình phát triển KT-XH của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 37.847 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2016; tổng số vốn đầu tư toàn xã hội đạt 11.170 tỷ đồng, bằng 93,1% kế hoạch, tăng 9,9%. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 530.000 tấn, tăng 7,9% và sản lượng lúa đạt 510.000 tấn, tăng 12% so với năm 2016.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh Cà Mau trong năm 2018. (Nguồn: VGP) |
Giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ước đạt 37.700 tỷ đồng, tăng 7,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,108 tỷ USD, tăng 13% so với 2016; thu ngân sách nhà nước đạt 4.183 tỷ đồng, bằng 101,2% dự toán; có 29 xã đạt nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,9%...
Trên cơ sở đó, năm 2018, Cà Mau phấn đấu GRDP đạt khoảng 40.480 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 42,4 triệu đồng/ người; thu ngân sách đạt 4.202 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD; giải quyết việc làm cho 38.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô lớn có hệ thống xử lý nước thải theo quy định đạt 98%...
Biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho rằng thực tế cho thấy kinh tế của tỉnh phát triển chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế chưa cao, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất còn chậm.
Thu ngân sách còn thấp; cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực chưa đáp ứng yêu cầu (PCI năm 2016 xếp thứ 54/63). Tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường đã gây thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Ô nhiễm môi trường tại các nhà máy chế biến thuỷ sản, khu dân cư ven biển, an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Các vi phạm về gian lận thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chưa được giải quyết dứt điểm…
“Tỉnh Cà Mau cần quan tâm hơn nữa, sớm khắc phục những hạn chế này để bảo đảm phát triển bền vững trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Cà Mau tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2018, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo. Tỉnh cần khai thác tiềm năng, lợi thế cũng như đề ra giải pháp đột phá hơn nữa, phấn đấu đưa Cà Mau phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Tỉnh cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KT-XH gắn với an ninh quốc phòng. Chủ động phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, sạt lở, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ngành nghề thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chỉ đạo, điều phối phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát huy thế mạnh của tỉnh và bổ trợ lẫn nhau trong vùng.
Quản lý chặt chẽ, khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất, đất sử dụng sai mục đích. Làm tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường, kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm. Có cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, chú trọng việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, phát triển mạnh doanh nghiệp nông nghiệp, khai thác và nuôi trồng, chế biến hải sản mà nuôi tôm là thế mạnh của tỉnh.
Nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, coi phục vụ nhân dân và doanh nghiệp là mục tiêu cao nhất. Giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm và kịp thời theo quy định các tổ chức và cá nhân vi phạm trong thực thi công vụ. Lãnh đạo tỉnh cần có quyết tâm chính trị trong việc tạo cơ chế thông thoáng, cởi mở để thu hút doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
“Thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước để tạo ra những khu như Khu điện đạm, khí hoá lỏng với nguồn thu hàng ngàn tỷ. Đồng thời, lĩnh vực nông thuỷ sản cần thu hút doanh nghiệp gắn với “4 nhà”. Các doanh nghiệp lớn chính là động lực tạo ra sản xuất lớn, tạo doanh thu lớn và nhiều công ăn việc làm cho người dân”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Với thế mạnh về kinh tế biển (chiều dài bờ biển 254 km, diện tích ngư trường hơn 80.000 km2, hơn 300.000 ha nuôi trồng trên đất liền), Cà Mau được xem là một trong những địa phương có tiềm năng kinh tế thuỷ sản và kinh tế biển lớn nhất cả nước.
Cà Mau hiện đang triển khai dự án cảng tổng hợp Hòn Khoai tại khu vực đảo Hòn Khoai. Đây là cảng nước sâu, có khả năng đón tàu có tải trọng lên đến 250.000 tấn. Dự án này không chỉ có ý nghĩa đối với tỉnh mà còn là cửa ngõ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng ra biển, góp phần giảm chi phí vận chuyển và nâng cao tính cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của vùng như thủy sản, lúa gạo, trái cây.
(Nguồn: VGP) |
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, tỉnh cần chú trọng phát triển công nghiệp chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm như chế biến hải sản, tìm kiếm thị trường và cạnh tranh quyết liệt. Muốn vậy phải chú ý tạo điều kiện khởi nghiệp cho doanh nghiệp cũng như xây dựng doanh nghiệp lớn trong việc phát huy thế mạnh của liên kết vùng. Từ đó, tạo ra giá trị thương hiệu chung cho cả vùng và của từng tỉnh nói riêng. Tỉnh cần nghiên cứu, đánh giá về quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn để phát triển KT-XH với việc ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển cây con thích ứng với xâm nhập mặn, tạo giá trị và thu nhập cho người dân.
Cà Mau cần quyết tâm biến khó khăn thành thuận lợi, nước mặn là tài nguyên “trời cho”, nếu biết cách sẽ làm giàu.
Đồng thời, quy hoạch sản xuất lớn vùng nuôi tôm, có hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu riêng để tránh ô nhiễm nguồn nước, tôm nhiễm bệnh lây lan. Tỉnh cũng cần có chính sách thu hút mạnh các nhà đầu tư lớn kết hợp với “4 nhà”.
Bên cạnh đó, việc phát huy liên kết vùng vừa có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển KT-XH, vừa có ý nghĩa bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh và cả khu vực. Từ đó, tạo ra thế mạnh liên kết của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, thuỷ lợi cho cả vùng để phát huy thế mạnh chung.
“Cà Mau cần tiếp tục thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, giữ vững chủ quyền biển đảo. Tập trung bảo đảm an toàn giao thông, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm, cháy nổ, buôn lậu và gian lận thương mại, hướng dẫn và giáo dục ngư dân hoạt động nghề cá trên biển đúng pháp luật quốc tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ ngành tổng hợp, nghiên cứu và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.