Cà Mau nhìn từ trên cao. (Ảnh: Huỳnh Lâm) |
Cà Mau là 1 trong 4 tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với vị trí địa lý 3 mặt giáp biển; vùng biển rộng trên 71.000 km2, tiếp giáp với vùng biển Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Cà Mau có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế biển cũng như cơ hội kết nối giao thương với các nước trên thế giới.
"Mỏ vàng" của ngành thủy sản và nông nghiệp
Mảnh đất ở cực Nam Tổ quốc có trên 100.000 ha đất rừng, chủ yếu là rừng tràm, rừng đước ngập nước, đã được UNESCO công nhận là Khu Ramsar (khu dự trữ sinh quyển) thứ 2088 của thế giới.
Với tiềm năng của rừng và biển, hệ sinh thái động vật, thực vật rất phong phú, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Các tuyến giao thông kết nối điểm du lịch chính như: Đất Mũi, Khai Long, Hòn Đá Bạc, Vườn quốc gia U Minh Hạ được ưu tiên đầu tư; ngoài sân bay Cà Mau, trong khu vực còn 3 sân bay khác là Phú Quốc, Cần Thơ và Rạch Giá nên rất thuận lợi để phát triển các tour du lịch liên tỉnh, liên khu vực và quốc tế.
Yếu tố hấp dẫn của Cà Mau chính là tài nguyên thiên nhiên phong phú. Với hơn 307 km đường bờ biển, hệ sinh thái đất ngập nước đa dạng, rừng ngập mặn rộng lớn, và nguồn lợi thủy sản dồi dào, Cà Mau trở thành “mỏ vàng” của ngành thủy sản và nông nghiệp. Tỉnh không chỉ là vùng nuôi tôm lớn nhất Việt Nam mà còn là nơi phát triển mạnh mẽ về sản xuất các loại thủy sản khác như cá, cua và nghêu.
Một khu vực nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh của người dân ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Thanh Huyền) |
Những năm qua, nền kinh tế Cà Mau tăng trưởng khá, tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác ngày càng hiệu quả và phát triển theo hướng bền vững.
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nền kinh tế của tỉnh được phục hồi và tiếp tục phát triển. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Cà Mau năm 2022 tăng 6,99%, năm 2023 tăng 7,83%> ăm 2024 - theo số liệu ước tính sơ bộ của Tổng cục Thống kê - GRDP tăng 6,53% (trong đó 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,96%).
Bên cạnh đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Cà Mau cũng ngày càng nâng cao nhờ tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong môi trường kinh doanh thuận lợi.
Đặc biệt, một trong những yếu tố làm nên sức hút của Cà Mau đối với các nhà đầu tư chính là các chính sách ưu đãi về thuế dành cho doanh nghiệp. Các gói ưu đãi bao gồm thuế suất ưu đãi 10%/15 năm hoặc 17%/10 năm; miễn thuế 2 - 4 năm, giảm 50% trong 4 hoặc 9 năm tiếp theo… tùy theo từng dự án và khu vực đầu tư sẽ có mức ưu đãi phù hợp.
Không chỉ thế, công tác xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai khá toàn diện, đồng bộ qua các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư.
Cà Mau tập trung thu hút đầu tư trong và ngoài nước có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ tiên tiến, dự án đầu tư xanh có giá trị gia tăng cao, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng. Tỉnh ưu tiên xúc tiến đầu tư liên ngành, liên vùng; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư kết hợp với xúc tiến thương mại, du lịch, ngoại giao kinh tế.
Dự án Nhà máy thức ăn Thủy sản C.P. Cà Mau tại KCN khánh An huyện U Minh. (Nguồn: VCCI News) |
Bến đỗ của cộng đồng doanh nghiệp
Với những sức hút lớn kể trên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn đã chọn Cà Mau là điểm đến, đặc biệt là các doanh nghiệp về thủy hải sản, điện gió và bất động sản.
Hiện Cà Mau có trên 5.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang sản xuất, kinh doanh, đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 63.800 tỷ đồng. Đa số các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến thủy sản, nuôi trồng xuất khẩu thủy sản, khí - điện - đạm, du lịch…
Các mặt hàng thuỷ sản của tỉnh đã có mặt trên 60 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính, như Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng công suất 800MW, trong đó: 170MW đã vận hành thương mại; 1.217 công trình lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 111MWp. Sản lượng phân bón hàng năm đạt trên 1 triệu tấn.
Lũy kế đến tháng 10/2024, trên địa bàn tỉnh có 460 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 147.000 tỷ đồng (trong đó có 11 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 161 triệu USD).
Trong đó, có 50 dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế với vốn đăng ký 20.893 tỷ đồng (bao gồm 3 dự án FDI, vốn đăng ký 1.964 tỷ đồng; 1 dự án hạ tầng 538 tỷ đồng).
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt kiểm tra tình hình và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án. (Nguồn: camau.gov.vn) |
Để tiếp tục đón thêm các nhà đầu tư, thời gian tới, tỉnh Cà Mau đã quyết liệt tập trung cho công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện cải cách hành chính được triển khai bài bản, bám sát thực tiễn, phát huy hiệu quả.
Các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư đều được rút ngắn thời gian giải quyết từ 20-30% so với thời gian quy định.
Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2025 của tỉnh Cà Mau có định hướng cơ bản: Ưu tiên các hoạt động chuẩn bị yếu tố đầu vào nhằm thu hút các dự án công nghiệp chế biến thủy sản, dịch vụ du lịch, khai thác dầu khí và logistics, năng lượng sạch, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế, tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án thứ cấp.
Đồng thời, tổ chức xúc tiến đầu tư tại chỗ kết hợp đối thoại với doanh nghiệp nhằm tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư. Chú trọng công tác nghiên cứu xu hướng đầu tư, thị trường và đối tác tiềm năng trong và ngoài nước để chủ động tiếp cận, kêu gọi đầu tư.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tăng cường phổ biến chính sách, điều kiện và môi trường đầu tư; cung cấp thông tin về các dự án mời gọi đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư đến các đối tượng là nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước, thông qua các cơ quan thương vụ tại các Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan thương vụ nước ngoài tại Việt Nam, qua các hội thảo, hội nghị, thông qua phương tiện truyền thông đại chúng. Xây dựng cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường đầu tư để cung cấp khi nhà đầu tư có yêu cầu.
Với vị trí chiến lược, nguồn tài nguyên phong phú, hạ tầng đang dần hoàn thiện và lực lượng lao động chất lượng, Cà Mau sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
| Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Cà Mau tiếp tục đẩy nhanh tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản cho phát triển Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau vào chiều 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Cà Mau cần ... |
| Cà Mau thu hút đầu tư vào các dự án đột phá Đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 459 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 146.700,5 tỷ đồng. ... |
| Một Cà Mau bứt phá, vươn mình Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo ra những ... |
| Khu Du lịch Mũi Cà Mau được công nhận là điểm đến du lịch hấp dẫn Khu Du lịch Mũi Cà Mau được trao chứng nhận Điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và 13, tỉnh, thành đồng ... |
| Cà Mau muốn doanh nghiệp Hàn Quốc hỗ trợ thực hiện chỉ dẫn địa lý cho con cua Sáng 3/11, tại Cà Mau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đón tiếp đoàn Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam ... |