Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, kể từ khi thực hiện Kết luận số 175 của Bộ Chính trị ngày 11/8/2014 về tiếp tục xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế và đô thị Huế tới năm 2020 thì tỉnh đã nỗ lực và đạt được nhiều thành quả quan trọng: Kinh tế tăng trưởng bình quân trong 2 năm qua đạt mức 9%/năm, chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng du lịch-dịch vụ và công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Bình quân mỗi năm giải quyết được 16.000 việc làm, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao việc tỉnh tổ chức thành công các kỳ Festival Huế, góp phần quảng bá hiệu quả hình ảnh Huế và Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm, Thừa Thiên-Huế là 1 trong 4 địa phương miền Trung chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển, tác động nặng nề tới sinh kế của người dân, sản xuất nông nghiệp và du lịch nhưng các chỉ số phát triển của tỉnh vẫn cao hơn bình quân chung của cả nước, bảo đảm giữ vững ổn định, trật tự xã hội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: VGP) |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương cũng đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên-Huế làm tốt việc cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư trên địa bàn khi lãnh đạo địa phương xác định năm 2016 là “Năm doanh nghiệp”. Cụ thể, tỉnh lập tổ công tác hỗ trợ các thủ tục đầu tư, duy trì kênh trao đổi với doanh nghiệp; rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp xuống còn 2 ngày với hồ sơ nộp qua mạng và 3 ngày khi nộp hồ sơ giấy (quy định là 6 ngày); giảm 420 giờ nộp thuế để chỉ còn 117 giờ, đạt mục tiêu Nghị quyết 19/NQ-CP đề ra…
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các cấp chính quyền của tỉnh Thừa Thiên- Huế tiếp tục bám sát các Nghị quyết số 01, 19, 35 về phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Nghị quyết 60/NQ-CP về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tạo ra nguồn lực phát triển mạnh mẽ hơn cho địa phương và góp phần vào sự phát triển của cả nước.
Về định hướng phát triển kinh tế cho Thừa Thiên-Huế trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị “lấy phát triển du lịch làm đầu” bằng việc nhận thức rõ quan niệm về ngành du lịch là một ngành kinh tế mang dấu ấn văn hóa sâu sắc, có tính chất tổng hợp, liên vùng, liên ngành rất cao.
“Phát triển du lịch không thể dựa vào Nhà nước, phải tiếp cận theo hướng thị trường, bảo đảm liên kết vùng; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch và bảo đảm môi trường du lịch, cung cách ứng xử văn minh, chuyên nghiệp của đội ngũ làm du lịch”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu với Thừa Thiên-Huế tiếp tục chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch từ di sản văn hóa và xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, đẳng cấp gắn với nghỉ dưỡng, hội thảo.
Du lịch di sản của Huế đa dạng và đặc sắc thu được gần 5 triệu USD tiền vé tham quan nhưng đền Angkor Wat của Campuchia mỗi năm số thu này gấp nhiều lần Huế. Ngoài ra Thừa Thiên-Huế còn có lợi thế du lịch biển, rừng mà vẫn vướng. Vậy phải chăng là vướng tư duy? - Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Lấy ví dụ về khu đầm phá Tam Giang, rộng 22.000 ha của Thừa Thiên-Huế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Từ trên cao nhìn xuống mới thấy phá Tam Giang đẹp như thế mà ta không khai thác được thì thật là lãng phí. Câu chuyện ở đây là phải thay đổi tư duy của người làm du lịch, kinh tế. Phải chuyển mạnh sang thị trường khi làm du lịch, để người dân và doanh nghiệp tham gia quản lý, phát triển du lịch, chính quyền đừng ôm việc, đừng quá trông cậy vào nhà nước về vốn”.
Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: VGP) |
Theo Phó Thủ tướng, tỉnh cần xây dựng một đề án cụ thể để khai thác lợi thế của vùng đầm phá này theo chủ trương quy hoạch phá Tam Giang của Thủ tướng Chính phủ theo hướng phân vùng để phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng… để kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược vào khu vực này một cách hiệu quả nhất.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đồng tình với đề nghị xây dựng đề án đối với đô thị di sản Huế và đề nghị tỉnh phải xúc tiến làm ngay bằng việc thành lập một ban chỉ đạo do lãnh đạo chủ chốt của tỉnh làm tổ trưởng và có sự tham gia của các bộ, ngành để kiến nghị các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc cao hơn là Bộ Chính trị để giải quyết, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
Khôi phục phát triển ngành sản xuất nông nghiệp
Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, sau sự cố ô nhiễm môi trường biển hồi tháng 4/2016 đã tác động lớn tới tình hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản của địa phương. Qua 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp của địa phương này giảm 1,02%, cao hơn mức giảm bình quân của cả nước là 0,8%.
Để bảo đảm tăng trưởng của nông nghiệp của cả nước nói chung và tỉnh nói riêng đạt dương trong năm 2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh có tính toán cụ thể cho từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để khôi phục sự phát triển của ngành này trong những tháng cuối năm.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, bên cạnh các chính sách trước mắt đã ban hành hỗ trợ cho các tỉnh bị thiệt hại vì sự cố môi trường biển, Chính phủ sẽ sớm ban hành các chính sách dài hơn, căn cơ hơn để ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất tại vùng bị ảnh hưởng như: Khôi phục tái tạo nguồn lợi hải sản và nơi cư trú của các giống loài hải sản, cho vay vốn khôi phục sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm và bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tìm cách phát triển các lĩnh vực khác để “bù” lại sự sụt giảm của nông nghiệp như đẩy mạnh các hoạt động kinh tế du lịch-dịch vụ, tiêu dùng nội địa.
Về hướng phát triển tổng thể lâu dài của địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng cho rằng trong mọi tính toán ngắn hạn hay dài hạn của địa phương đều phải vì mục tiêu này, bảo đảm phát triển và đạt được các tiêu chí về thu ngân sách, hạ tầng, lao động, thu nhập của cư dân…