Phó Tổng Giám đốc WTO Alan Wolff. (Nguồn: WTO) |
Ngày 24/11, trong phiên họp bàn tròn nhóm “1+6” của các nhà lãnh đạo 6 thể chế quốc tế (WTO, Ngân hàng thế giới - WB, Quỹ tiền tệ quốc tế - IMF, Tổ chức Lao động quốc tế - ILO, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế - OECD, và Ban ổn định tài chính) do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì, Phó Phó Tổng Giám đốc WTO Alan Wolff thúc giục tất cả các nước thành viên WTO, nhất là các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản, bắt đầu tiến trình can dự nghiêm túc nhằm cải cách WTO, với lập luận cho rằng hiện nay có đủ nền tảng chung, có những lĩnh vực mà lợi ích gặp nhau để có thể đạt được những thỏa thuận lớn mới.
Các vấn đề cơ bản WTO đang đối mặt xuất phát từ những nguyên nhân mang tính chính trị và ngoại giao. Bốn thành viên lớn nhất của WTO là EU, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản - vốn chiếm hơn 50% thương mại thế giới - có những “bất đồng địa chính trị” sâu sắc. Ông Alan Wolff cho rằng nếu 4 thành viên này có thể tìm được lập trường chung, rất có khả năng các thành viên khác cũng sẽ đồng thuận.
Trong bối cảnh đó, ông cho rằng với tư cách là nước hưởng lợi rõ nhất từ hệ thống thương mại đa phương kể từ khi gia nhập WTO gần hai thập kỷ trước, Trung Quốc cần “lãnh đạo, tham gia, và đóng góp tích cực cho những cải cách sâu rộng của WTO, sẽ được sự ủng hộ và thông qua của tất cả các Thành viên WTO”.
Theo Phó Tổng Giám đốc WTO Alan Wolff, đàm phán cải cách WTO cần chú trọng vào 4 trọng tâm:
Đàm phán thương mại điện tử phải dẫn đến một Hiệp định quốc tế sâu rộng, tạo ra tính có thể đoán định và các quy tắc thúc đẩy sự tiếp tục tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Hiệp định về công nghệ thông tin cần được cập nhật và nên bao gồm cả trang thiết bị y tế cần thiết nhằm ứng phó với đại dịch.
Đàm phán về Hiệp định hàng hóa môi trường cần được hồi sinh và sớm đạt được một hiệp định, với việc bao hàm các dịch vụ, như là một phần của phản ứng đa phương với biến đổi khí hậu.
Hiệp định về dược phẩm, cung cấp miễn thuế, nên được cập nhật phạm vi bao hàm và Trung Quốc cũng như những nước sản xuất dược phẩm chính nên tham gia với tư cách bên ký kết Hiệp định này và cần bổ sung thiết bị y tế vào phạm vi điều chỉnh của Hiệp định.
Theo Phó Tổng Giám đốc Alan Wolff, đây chỉ là danh sách những vấn đề rõ ràng cần hành động nhất và những cuộc đàm phán này phải đưa ra được những quy tắc sâu rộng và có ý nghĩa cần thiết cho việc thúc đẩy kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng.
Trước đó, ngày 23/11 phát biểu trực tuyến với cuộc họp các Bộ trưởng của Nhóm Ottawa gồm 13 Thành viên WTO, Phó Tổng Giám đốc WTO Alan Wolff đã kêu gọi các Chính phủ chuyển các tuyên bố của họ về cải cách quy tắc thương mại toàn cầu thành các đề xuất chính thức và yêu cầu cụ thể tại WTO. Ông cũng nêu các ý tưởng về cách các thành viên có thể sử dụng thương mại để tăng hiệu quả chống lại Covid-19 và tạo cơ sở cho sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và bền vững với môi trường.
Cuộc họp trực tuyến này do Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhỏ, Xúc tiến Xuất khẩu và Thương mại Quốc tế của Canada bà Mary Ng chủ trì. Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Alan Wolf đưa ra 7 giải pháp cụ thể và có thể được thực hiện trong hai năm tới để cải cách WTO mà Nhóm Ottawa có thể đóng góp, bao gồm:
Thứ nhất, các Thành viên cần chuyển các tuyên bố như về thương mại và y tế thành các đề xuất chính thức càng sớm càng tốt và các Thành viên WTO nên ủng hộ, nếu có Thành viên không ủng hộ hoặc trì hoãn thì cách thực tế hơn cả là thúc đẩy sáng kiến chung coi như một ưu tiên, cần nhanh chóng để ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay do đại dịch.
Thứ hai, các Thành viên có thể yêu cầu Ban Thư ký WTO hỗ trợ, cung cấp đánh giá các khía cạnh của cải cách WTO.
Thứ ba, các Thành viên có thể đề xuất tân Tổng giám đốc WTO triệu tập một nhóm nhỏ gồm các Đại diện cấp Đại sứ của Tổ công tác về thương mại và y tế về hoạt động của nhóm này.
Thứ tư, các Thành viên có thể đề xuất các bên ký Hiệp định về Dược phẩm, Công nghệ thông tin cập nhật thương mại miễn thuế (lần gần đây nhất là năm 2010), bổ sung thiết bị y tế vào phạm vi điều chỉnh của Hiệp định về Công nghệ thông tin, và đề xuất các cuộc đàm phán về Hiệp định Hàng hóa môi trường với bổ sung về dịch vụ.
Thứ năm, các Thành viên có thể đề xuất tân Tổng giám đốc WTO làm trung gian tập hợp các bên có quan tâm chủ chốt để cùng tìm ra giải pháp cải cách giải quyết tranh chấp.
Thứ sáu, các Thành viên cần thúc đẩy thực hiện chương trình nghị sự của WTO, các Hiệp định nhiều bên WTO mới mang tính mở (sáng kiến chung) trong lĩnh vực có thể đạt tiến triển. Thứ bảy, các Thành viên cần nỗ lực thực hiện công việc với khung thời gian nhất định.
Tại cuộc họp này, các Bộ trưởng 13 Thành viên WTO Nhóm Ottawa đã nhất trí về Sáng kiến Thương mại và Y tế, kêu gọi các Thành viên WTO tăng cường hợp tác và nỗ lực nhằm củng cố các quy tắc tạo thuận lợi cho thương mại các sản phẩm y tế thiết yếu.
Các Bộ trưởng Nhóm Ottawa kêu gọi sớm có các hành động ứng phó với khủng hoảng Covid-19 như: kiềm chế sử dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu, thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại trong các lĩnh vực hải quan, dịch vụ và tăng minh bạch hóa; kiềm chế áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm y tế thiết yếu trong giai đoạn khủng hoảng.
Các biện pháp này là cần thiết nhằm khôi phục chuỗi cung ứng và góp phần ứng phó hiệu quả đối với tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng, và cũng là cơ sở cho những cam kết lâu dài trong trong tương lai về thương mại dược phẩm. Nhóm Ottawa sẽ thông báo về sáng kiến thương mại và y tế này cho Ban thư ký WTO và đưa ra thảo luận tại Đại hội đồng WTO trong tháng 12, đồng thời được sử dụng để chuẩn bị cho Hội nghị cấp Bộ trưởng WTO lần thứ 12 dự kiến diễn ra vào 2021.
Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của các nhà Lãnh đạo Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ngày 21-22/11, Phó Tổng Giám đốc WTO Alan Wolff cho biết, các thành viên WTO đang đối mặt với các thách thức như: Sử dụng thương mại để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho thương mại các sản phẩm thiết yếu ứng phó Covid-19 và cải cách các thể chế chi phối thương mại toàn cầu. Ông cũng kêu gọi các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh do Saudi Arabia chủ trì, tích cực tham gia vào việc cải cách WTO.
Ông Alan Wolff nhấn mạnh 3 thách thức đối với thương mại: Thứ nhất, tài trợ thương mại cho các nước đang phát triển cần được khôi phục. Số tiền cần thiết cho hoạt động này là rất lớn, hàng nghìn tỷ đô la. Các doanh nghiệp và các ngân hàng phát triển quốc tế lớn cùng với WTO đã kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức tài chính quốc tế, WTO và các ngân hàng thương mại lớn.
Thứ hai, đã đến lúc các Thành viên WTO phải cùng nhau thống nhất và thực hiện các biện pháp để tăng lượng cung cấp các sản phẩm y tế thiết yếu trên toàn thế giới bằng cách mua bán dược phẩm miễn thuế theo Hiệp định dược phẩm được cập nhật; thiết bị y tế phải được miễn thuế ngay lập tức; Khi có vắc xin mới, phương pháp điều trị và chẩn đoán được triển khai, các rào cản ở biên giới phải được giảm bớt, tăng tốc tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt đối với các nước nghèo nhất.
Thứ ba, việc xác định các lĩnh vực mà Sáng kiến Riyadh đạt được về tương lai của WTO liên quan đến việc khôi phục các chức năng đàm phán của WTO, cung cấp giải quyết tranh chấp, thành lập Ban Thư ký chủ động tích cực.
Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO vào năm 2021 sẽ là một dấu mốc quan trọng cho nhiệm vụ này. Các Thành viên G20 cần tích cực tham gia vào nỗ lực cải cách để đóng góp cho hệ thống thương mại đa phương cách đây bảy thập kỷ và của WTO 25 năm trước.
Trong Tuyên bố Riyadh của Hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 22/11, các nhà Lãnh đạo G20 kêu gọi ủng hộ tiến trình cải cách WTO hướng đến Hội nghị cấp Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12) và công nhận sự đóng góp của Sáng kiến Riyadh về Tương lai của WTO thông qua tạo cơ hội thảo luận và tái khẳng định các mục tiêu và nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại đa phương.
| WTO hối thúc G20 tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển TGVN. Phó Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Alan Wolff ngày 21/11 cho rằng, Nhóm các nền kinh tế phát triển ... |
| WTO khai trương Cổng thông tin điện tử về phát triển bền vững TGVN. Cổng thông tin điện tử của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về Giám sát thương mại liên quan đến các Mục tiêu ... |
| WTO ra mắt cơ sở dữ liệu mới về cấp phép nhập khẩu TGVN. Nền tảng mới này của WTO tích hợp thông tin về cấp phép nhập khẩu, phân tích, báo cáo và đồng thời hợp lý ... |