Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Phi ngày 15/12/2022 tại Washington D.C. (Nguồn: AP) |
Ngày 25/3, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần tới Ghana, Tanzania và Zambia.
Như vậy, bà Kamala Harris là quan chức cấp cao nhất của chính quyền Biden đến thăm lục địa này trong bối cảnh Nhà Trắng nỗ lực mở rộng phạm vi tiếp cận và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Cam kết "dấn thân vào châu Phi"
Theo chương trình nghị sự, nữ Phó Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ sẽ có các cuộc gặp với Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan và Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema - những vị nguyên thủ mà bà đã trao đổi tại Washington D.C trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Phi vào tháng 12 vừa qua.
Chia sẻ với phóng viên, các quan chức chính quyền Mỹ cho biết, chuyến đi cũng mang dấu ấn cá nhân của bà Harris, với việc bà đến thăm thủ đô Lusaka của Zambia, nơi bà từng đến khi còn nhỏ. Ông của bà, vốn là một công chức ở Ấn Độ, từng làm việc về các vấn đề tái định cư cho người tị nạn ở Zambia.
Nữ Phó Tổng thống cũng sẽ tham quan Lâu đài nô lệ Cape Coast ở Ghana, phát biểu về sự tàn bạo của chế độ nô lệ cũng như cộng đồng người châu Phi.
Bà Harris là nhân vật cấp cao mới nhất trong chính quyền Tổng thống Joe Biden thực hiện chuyến công du châu Phi. Đệ nhất phu nhân Jill Biden đã đến Namibia và Kenya vào đầu tháng này và Ngoại trưởng Anthony Blinken công du Ethiopia và Niger vào tuần trước. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen có chuyến thăm Senegal, Zambia và Nam Phi hồi đầu năm nay.
Sự hiện diện của bà Harris tại các nước châu Phi là một phần trong cam kết của Tổng thống Biden về sự "dấn thân vào châu Phi". Ông chủ Nhà Trắng cũng dự kiến đến thăm lục địa này trong năm nay.
Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, quan hệ giữa Washington và châu Phi là "quan hệ đối tác” chứ không phải mang tính “một chiều”, hay “áp đặt các giải pháp” và cũng không chỉ là “viện trợ nước ngoài hay hỗ trợ nhân đạo”.
"Đó là sự đầu tư lẫn nhau và cùng nhau tăng trưởng kinh tế, quan hệ đối tác sáng tạo và kết nối sâu sắc giữa người dân Mỹ và người dân châu Phi”.
Trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo, sinh viên và chủ doanh nghiệp, bà Harris dự kiến nói về các vấn đề liên quan đến dân chủ, công nghệ, tăng trưởng kinh tế, an ninh lương thực và cuộc xung đột Nga-Ukraine.
“Chúng tôi sẽ thể hiện không phải bởi những gì chúng tôi có thể làm cho châu Phi mà là những gì chúng tôi có thể làm với châu Phi”. (Phó Tổng thống Kamala Harris) |
Lắng nghe hơn là chiến lược địa chính trị
Việc chính quyền Biden thúc đẩy cam kết với châu Phi diễn ra sau khi Trung Quốc và Nga tăng cường đầu tư và hiện diện trong khu vực. Các chuyến thăm của các quan chức cấp cao như bà Harris giúp tạo ra sự tương phản với những gì Mỹ có thể mang lại cho lục địa này.
Theo ông Mark Green, cựu Đại sứ Mỹ tại Tanzania, người đứng đầu Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ dưới thời chính quyền ông Donald Trump, Trung Quốc và Nga đang cố gắng "xây dựng sự phụ thuộc" còn Mỹ "tìm cách xây dựng sự tự lực", ông Green nhấn mạnh.
Song trọng tâm của Washinton phải là lắng nghe các nhà lãnh đạo về nhu cầu của lục địa hơn là chiến lược địa chính trị của Mỹ.
Ông Green, hiện là người đứng đầu Trung tâm Wilson ở Washington, cho rằng, "bất cứ khi nào bạn nói 'chiến lược' hoặc bất cứ khi nào bạn nói về Trung Quốc, phản ứng tự nhiên của người châu Phi là: Được thôi, đây không phải là về chúng tôi, mà là về người khác”.
Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 5/2022, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan (trái) gặp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Washington D.C. (Nguồn: Getty Images) |
Chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của Biden. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng khẳng định những chuyến thăm châu Phi hướng tới việc hình thành các mối quan hệ hơn là chống lại ảnh hưởng của các quốc gia khác.
"Mối quan hệ của chúng tôi với châu Phi không thể và không nên và sẽ không được xác định bởi sự cạnh tranh với Trung Quốc", theo một quan chức cấp cao.
"Chúng tôi không yêu cầu các đối tác của mình ở châu Phi lựa chọn. Chúng tôi muốn mở rộng các lựa chọn của châu Phi chứ không phải giới hạn chúng".
Có vẻ như trong khi Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào châu Phi, Washington đang khẳng định mình là một đối tác của lục địa tốt hơn Bắc Kinh.