Tầm quan trọng của Cộng đồng ASEAN, nhất là Cộng đồng Chính trị - An ninh trong khu vực đã được các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN khẳng định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vừa qua, trong đó cam kết chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cấp tiến hóa và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt trước các thách thức và mối đe doạ mới do đại dịch Covid-19.
Cảnh sát Myanmar thời gian qua triệt phá một số tụ điểm sản xuất ma túy với quy mô lớn. (Nguồn: EPA) |
Thách thức "chồng" thách thức
Bất chấp sự lan tràn nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, tội phạm ma túy vẫn có xu hướng gia tăng ở khu vực. Thời gian qua, khu vực Đông Nam Á ghi nhận nhiều kỷ lục mới về số lượng bắt giữ ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp ở một số nước như Myanmar, Malaysia...
Giữa tháng 9 vừa qua, cảnh sát Myanmar đã đột kích vào các ổ sản xuất ở khu vực Kutkai bất hợp pháp của bang Shan, thu giữ gần 200 triệu viên ma túy đá, 500kg tinh thể, 300kg heroin và 3.750 lít methyl fentanyl. Cuộc đột kích phát hiện lượng lớn methyl fentanyl cho thấy dấu hiệu của một xu hướng mới về sản xuất ma túy tổng hợp.
Trước đó, vào đầu tháng 5/2020, cảnh sát Malaysia đã triệt phá một băng nhóm buôn ma túy liên lạc thông qua nhóm chat trên ứng dụng Wechat, với khoảng 500 thành viên đến từ nhiều nước.
Tại Việt Nam, bất chấp tác động sâu rộng đến đời sống xã hội của dịch bệnh Covid-19, tình hình tội phạm ma túy có xu hướng tăng. Số liệu của Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm ma túy cho thấy, Việt Nam ghi nhận số vụ vi phạm pháp luật về ma túy, số đối tượng bị phát hiện, bắt giữ đều tăng tính đến tháng 11/2020.
Cụ thể, các lực lượng chức năng đã phát hiện 21.205 vụ (tăng 13,2% so với năm 2019) và bắt giữ 30.756 đối tượng (tăng 7,1% so với năm 2019).
Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm và ma túy (UNODC) phụ trách khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, ông Jeremy Douglas nhấn mạnh: “Trong khi cả thế giới đang tập trung đối phó với dịch Covid-19, tất cả chỉ số liên quan đến sản xuất và mua bán ma túy tổng hợp và hoá chất bất hợp pháp trong khu vực vẫn đứng ở mức kỷ lục”. |
Không chỉ tội phạm ma túy, diễn biến tội phạm khủng bố cũng tiềm ẩn phức tạp. Nhóm khủng bố IS vẫn đang là mối đe dọa hiện hữu đối với các nước trong khu vực, đặc biệt là việc tổ chức khủng bố này lợi dụng không gian mạng để tuyển lựa và tuyên truyền tác động tư tưởng cực đoan vào thanh thiếu niên trong khu vực.
UNODC ước tính có khoảng 1.500 thanh thiếu niên ở khu vực Đông Nam Á đã bị tác động bởi những tư tưởng cực đoan, tham gia tiếp tay cho các hoạt động của nhóm IS.
Đáng chú ý, một số nước trong khu vực đã phát hiện sự liên kết giữa băng nhóm tội phạm ma túy với tội phạm khủng bố. Theo đó, các nhóm khủng bố đã thông qua việc buôn bán ma túy trái phép để thu lợi nhuận, mua vũ khí thực hiện các vụ tấn công khủng bố.
Ngoài ra, vấn nạn tin giả, thông tin sai sự thật liên quan đến đại dịch Covid-19, gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.
Các hoạt động giao dịch thương mại điện tử, thanh toán qua hệ thống ngân hàng, trung gian thanh toán tăng mạnh trong thời kỳ giãn cách xã hội trở thành điều kiện khiến hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng cả về số vụ, tính chất, mức độ nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh.
UNODC cảnh báo Đông Nam Á là một trong những khu vực trung chuyển có sự liên kết với các khu vực nhạy cảm về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trên thế giới.
Nỗ lực gấp bội trong đại dịch
Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025 xác định phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia là một trong những lĩnh vực hợp tác trọng tâm của ASEAN để xây dựng một cộng đồng hòa bình và phát triển ổn định. |
Trong bức tranh thế giới với nhiều khoảng xám do đại dịch Covid-19, những điểm sáng hợp tác trong ứng phó với các thách thức đang được ghi nhận ở châu Á - Thái Bình Dương, với vai trò tiên phong, nòng cốt của ASEAN.
Hiện ASEAN tập trung ưu tiên nguồn lực đấu tranh, phòng chống 10 loại tội phạm xuyên quốc gia điển hình trong khu vực, bao gồm: tội phạm khủng bố, mua bán người, đưa người di cư trái phép, tội phạm ma túy, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm mạng và sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, cướp biển, buôn lậu gỗ và buôn bán động vật hoang dã trái phép. Trong đó, một số loại tội phạm được cảnh báo đang ở mức rất nghiêm trọng.
Các nước ASEAN là thành viên của nhiều công ước, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC) năm 2003.
Ngoài ra, các nước trong khối đã có Hiệp định khung về tương trợ tư pháp về hình sự và đang trong quá trình đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định dẫn độ tội phạm, Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù.
ASEAN cũng đạt được những thành tựu to lớn thông qua việc xây dựng Công ước ASEAN về phòng, chống khủng bố (2011) và Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (2015).
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 12-15/11, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN: Chính trị - An ninh, Kinh tế Văn hóa - Xã hội, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống. Theo đó, hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển.
Trong 5 năm qua, Cộng đồng Chính trị - An ninh đóng một vai trò quan trọng và có ý nghĩa hết sức to lớn đến việc thúc đẩy Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, phát huy vị thế và vai trò trung tâm trong khu vực và quốc tế.
Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025 đã có 278/290 dòng hành động được đưa vào thực hiện và đạt tỷ lệ 96%.
Đây là con số ấn tượng, thể hiện sự gắn kết, nỗ lực xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và tự cường giữa các quốc gia ASEAN, trong đó có sự đóng góp to lớn của cơ chế Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Phát huy tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng
Các Bộ trưởng ASEAN phụ trách phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia thảo luận tại phiên họp toàn thể hội nghị AMMTC 14 ngày 26/11. |
Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm xuyên quốc gia ở khu vực, tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 25-26/11, Bộ Công an Việt Nam cùng cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN đã thống nhất nhiều giải pháp quan trọng hướng đến duy trì môi trường hòa bình, an ninh, an toàn phục vụ các nước trong khu vực khắc phục hậu quả dịch bệnh và phục hồi sau đại dịch.
Trên cương vị Chủ tịch Hội nghị AMMTC 14, Bộ Công an Việt Nam đã chủ động đề xuất chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia”. Đây là một trong những sáng kiến, ý tưởng mới bởi theo thông lệ, các Hội nghị AMMTC không đưa ra chủ đề cụ thể nào.
Bộ Công an Việt Nam đã tích cực trao đổi, phối hợp với các nước để đạt được đồng thuận của các nước đối với ý tưởng này. Bởi lẽ, hơn lúc nào hết, thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có tội phạm xuyên quốc gia, đang là một “phép thử” sức mạnh Cộng đồng ASEAN, nhất là Cộng đồng Chính trị - An ninh, đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ và chủ động thích ứng trong bối cảnh mới, nhất là diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm.
Tuyên bố chung của Hội nghị đã ghi nhận chủ đề Hội nghị AMMTC 14 do Bộ Công an Việt Nam đề xuất, góp phần khẳng định cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Bộ trưởng các nước ASEAN trong công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến khó lường.
Trong khuôn khổ các Hội nghị AMMTC trước đây và ngay tại Hội nghị AMMTC 14, Bộ Công an Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt khi chủ động đề xuất các sáng kiến và ý tưởng mới, có tính khả thi nhằm thúc đẩy hợp tác liên kết nội khối cũng như mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN.
Hội nghị AMMTC 14 ghi nhận việc Việt Nam đề xuất thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp cấp Bộ trưởng trong cơ chế AMMTC để kịp thời trao đổi thông tin, xử lý các vấn đề liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự của mỗi nước và khu vực. |
Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã nhấn mạnh việc chủ trì tổ chức Hội nghị nói trên là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng để Bộ Công an Việt Nam cùng cơ quan thực thi pháp luật các nước thành viên ASEAN khẳng định sự chủ động, đoàn kết, thống nhất và quyết tâm mạnh mẽ triển khai các nội dung hợp tác của ASEAN trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Trong lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng và các nước trong khối ASEAN có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo nên một vành đai an ninh đối với nước ta, ngăn chặn các hoạt động chống phá từ bên ngoài, ảnh hưởng đến an ninh, ổn định của Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy đối thoại, phối hợp lập trường với các nước thành viên nhằm tháo gỡ các vấn đề nảy sinh, ứng phó với thách thức về an ninh, hạn chế sự can thiệp và chi phối của các nước bên ngoài.
Với phương châm gắn kết và chủ động thích ứng, Bộ trưởng các nước ASEAN đã, đang và sẽ tiếp tục hợp tác đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm xuyên quốc gia để xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hợp tác rộng mở với bên ngoài.
Thông qua việc tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Bộ Công an đã thúc đẩy các khuôn khổ, cơ chế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia như: (i) hoàn thiện các văn bản pháp lý tạo khuôn khổ cho hợp tác phòng, chống tội phạm của ASEAN và giữa ASEAN với các nước Đối tác, Đối thoại; (ii) trao đổi thông tin, kinh nghiệm về công tác bảo đảm an ninh trật tự và các lĩnh vực khác cùng quan tâm; (iii) thiết lập cơ chế hợp tác về đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ thực thi pháp luật; (iv) tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phát triển công nghiệp an ninh, trọng tâm là giới thiệu, chuyển giao công nghệ hiện đại, liên kết sản xuất; (v) phối hợp thực hiện và tài trợ cho các dự án trọng điểm, chiến dịch chống tội phạm xuyên quốc gia trong quan hệ song phương và khuôn khổ ASEAN với các đối tác. |