Nếu phong trào này thành công, doanh nghiệp khởi nghiệp chính là những đối tượng tạo ra nhiều việc làm, mang lại giá trị gia tăng vượt bậc cho nền kinh tế của mỗi quốc gia.
Việt Nam tích cực tạo môi trường khởi nghiệp
Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp ở nước ta đang có xu hướng nổ rộ. Số lượng các vườn ươm, cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp ngày một gia tăng. Các tổ chức như Hatch!Program, Topica Founder Institute đều bắt đầu mở các khóa huấn luyện tập trung cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
năm 2015, lần đầu tiên Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về đổi mới sáng tạo. (Nguồn: Createas) |
Việt Nam cũng đã có những công ty khởi nghiệp thành công như Công ty Thương mại điện tử Vatgia có tốc độ tăng trưởng trung bình 40 - 45% trong khoảng 3 năm trở lại đây và có trị giá khoảng 75 triệu USD; hay trò chơi trực tuyến Flappy Bird, VNG (tiền thân của VinaGame)...
Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) là đơn vị chủ trì, chắp cánh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đã triển khai mô hình tổ chức thúc đẩy kinh doanh rất mới từ Mỹ trong khuôn khổ Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV).
Bộ KH&CN cũng đã hỗ trợ tập huấn, cung cấp vốn cho 9 doanh nghiệp khởi nghiệp trong khóa huấn luyện đầu tiên năm 2014, 11 doanh nghiệp trong khóa thứ hai năm 2015 và tiếp tục triển khai các hoạt động huấn luyện khởi nghiệp và kết nối đầu tư trong năm 2016.
Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” với mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Mục tiêu đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. |
Kết quả trên được cộng đồng quốc tế công nhận, phản ánh qua chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng 19 bậc trong xếp hạng quốc tế trong năm 2015, đứng thứ 52/141 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, năm 2015, lần đầu tiên Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về đổi mới sáng tạo.
Theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, hiện nay là thời điểm rất thuận lợi cho phong trào khởi nghiệp cũng như khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Tùng cũng thừa nhận, bên cạnh thuận lợi còn nhiều khó khăn, nhất là việc hiểu và biết để làm khởi nghiệp đúng, hiệu quả nhất. Ngoài việc có tinh thần, nhiệt huyết, người khởi nghiệp phải có kiến thức về khởi nghiệp. Đây là những điều trong quá trình học tập tại các trường đại học về quản lý kinh doanh, các kiến thức về quản trị cho doanh nghiệp, hoạt động quản lý về thị trường và tiền tệ nhiều khi chưa được dạy một cách đầy đủ…
“Chúng tôi cũng đang trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có thể đưa nội dung đào tạo về khởi nghiệp cho sinh viên tại một số trường như khối trường kỹ thuật, thương mại… giúp sinh viên trang bị những kiến thức cần thiết, ban đầu cho hoạt động khởi nghiệp của mình”, ông Tùng chia sẻ.
Người trong cuộc nói gì?
Không phải đất nước nào cũng khởi nghiệp thành công và Việt Nam không đi quá chậm trong phong trào khởi nghiệp. Đó là một thực tế cần phải nhìn nhận. Hiện nay, trên thế giới có nhiều quốc gia khởi nghiệp thành công như: Israel, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore… Việt Nam đi sau nhưng có một điều rất quan trọng khi làm khởi nghiệp chính là nguồn nhân lực. Khởi nghiệp thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào con người trong khi nguồn nhân lực Việt Nam hiện được đánh giá là có chất lượng vàng.
Đào Xuân Hoàng - CEO và Nhà sáng lập Monkey Junior. (Ảnh: HH) |
Anh Đào Xuân Hoàng, CEO và Nhà sáng lập của phần mềm ứng dụng học tiếng Anh Mokey Junior - ứng dụng giành giải Nhất tại cuộc thi “Sáng kiến toàn cầu” (GIST Tech-I 2016) diễn ra tại Mỹ cuối tháng 6/2016, hiện cũng đang đứng đầu một doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ chia sẻ với phóng viên TG&VN, con đường khởi nghiệp là con đường rất cam go và vất vả. “Bạn chỉ nên dấn thân vào con đường này nếu bạn biết rõ cái gì đang đợi mình phía trước và chỉ khi bạn có niềm đam mê mãnh liệt cho cái mà bạn muốn làm. Vì niềm đam mê sẽ giúp bạn duy trì, vững tin vào con đường bạn chọn”, Hoàng nói.
Vị kỹ sư công nghệ thông tin này cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện tại phong trào khởi nghiệp đang lên cao nhưng các hoạt động khởi nghiệp thực sự vẫn chưa hiệu quả và chưa để lại dấu ấn.
Mai Lan Vân, (“Top 30 Under 30”: danh sách những ngôi sao đang lên của thế hệ lãnh đạo tương lai trong các lĩnh vực được Forbes Việt Nam bình chọn) thì cho rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay có nhiều cơ hội khi internet, smartphone bùng nổ. Cùng với rất nhiều hoạt động truyền thông nhằm tăng cường nhận thức về khởi nghiệp, sự tài trợ từ các doanh nghiệp như Angel Investor hay các quỹ đầu tư mạo hiểm, start-up Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự hỗ trợ và tăng tỷ lệ thành công. “Do đó, ở Việt Nam, làn sóng startup đang rất sôi động”, Vân nhấn mạnh.
Trước câu hỏi này, CEO của Monkey Junior Đào Xuân Hoàng cho rằng, các startup phải luôn sẵn sàng đón nhận thách thức và cơ hội. Sẵn sàng ra biển lớn và đánh vào các thị trường thế giới chứ không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa.
Khi khởi nghiệp phải xác định đó là một cuộc chơi lớn và luôn luôn có khát vọng xây dựng một sản phẩm có giá trị cao, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và luôn nổ lực để xây dựng sản phẩm có tính sáng tạo, áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất. Đấy chính là bản chất của con đường startup.
Mai Lan Vân hiện cũng đang giữ cương vị quan trọng trong một doanh nghiệp khởi nghiệp. (Ảnh: T.A) |
Còn Mai Lan Vân thì cho rằng, với xu hướng hội nhập và Việt Nam đang bước vào thế giới phẳng, các startup cần chuẩn bị sẵn sàng để gia nhập cuộc đua công nghệ, liên tục cập nhật và học hỏi những xu hướng công nghệ mới nhất.
Ngoài ra, cộng đồng startup cũng sẽ sôi động hơn và cạnh tranh tăng lên vì có thể những ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ các nước láng giềng sẽ vào khai thác tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đây không hẳn là áp lực, mà còn là cơ hội để cộng đồng startup Việt học hỏi và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Có cái nhìn khả quan về phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng: “Với việc thực hiện những dự án, biện pháp tổng thể như vậy, phong trào khởi nghiệp nhất là khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo sẽ có bước thay đổi lớn trong thời gian tới”.