📞

Phong tục Tết trên thế giới: Xua rui, đón may

02:03 | 02/02/2011
Kết thúc năm cũ, dù theo Dương lịch, Âm lịch hay Phật lịch, quốc gia, dân tộc nào cũng có phong tục đón Năm mới riêng. Song ý nghĩa của các phong tục đó đều nhằm đem tới niềm vui cho người thân, bạn bè, làng xóm và nói lên mơ ước những điều tốt lành, cuộc sống no đủ, hạnh phúc.
Lễ đón năm mới ở Myanmar

Đốt "Ngài năm cũ" là phong tục đón Năm mới truyền thống của người Colombia. Cả gia đình cùng nhau làm một hình nộm to gọi là "Ngài năm cũ" và nhét vào trong những vật gợi nhớ kỷ niệm buồn. Giao thừa đến, cả nhà đem Ngài năm cũ ra hóa, thể hiện ước muốn rũ sạch chuyện không vui năm qua để đón Năm mới.

Còn ở Mỹ, dân các bang miền Nam lại cố ăn thật nhiều củ cải và đậu mắt đen, tối thiểu là 365 hạt vào lúc giao thừa. Họ tin rằng mỗi củ cải sẽ giúp họ kiếm được 1.000 USD, còn mỗi hạt đậu tương ứng với 100 cent cho Năm mới!

Tại Mexico, khi thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới điểm, cả gia đình quây quần trong nhà, lắng nghe 12 tiếng chuông ngân. Sau mỗi tiếng chuông, mọi người lại cho một trái nho vào miệng và thầm cầu nguyện may mắn.

Người Tây Ban Nha cũng có tục ăn 12 trái nho lúc giao thừa, nhưng để thể hiện mong muốn sang năm mọi người có những vụ nho bội thu. Sau mỗi tiếng chuông, chẳng ai kịp nuốt hết trái nho. Và như thế, khi Năm mới đến, trong miệng mỗi người đều “bội thu” nho. Còn ở Peru, người ta lại tin rằng phải ăn trái nho thứ 13 lúc giao thừa mới may mắn.

Trong khi đó, ở Venezuela và các nước Trung, Nam Mỹ, mọi người đều mặc đồ lót màu vàng vào ngày đầu năm vì họ tin rằng làm như thế sẽ được may mắn suốt năm sau.

Người dân bang British Columbia (Canada) lại có phong tục đón Tết nghe "nổi da gà" - mọi người đều mặc đồ tắm, nhảy xuống dòng nước lạnh như băng khi Năm mới đến. Quốc gia này nằm gần Bắc cực, mà Tết lại trùng với thời điểm lạnh giá nhất của mùa Đông.

Áo có lẽ là nước có lễ đón Năm mới tao nhã nhất. Đồng hồ điểm 12 tiếng, tiếng nhạc vang lên khắp mọi nơi, mọi người dù ở trong nhà hay ngoài đường phố đều du dương trong điệu van.

Song phong tục đón Tết gây bàng hoàng nhất thuộc về Đan Mạch. Mọi người chuẩn bị sẵn những chén đĩa cũ để đêm giao thừa ném vào nhà bạn bè. Nếu mở cửa nhà ngày đầu Năm mới mà thấy nhiều chén đĩa vỡ thì đó là điều may mắn. Người Đan Mạch quan niệm nhà bạn càng có nhiều chén đĩa vỡ càng chứng tỏ bạn có nhiều bạn bè. Ngoài ra, đêm giao thừa, cả nhà cùng nhảy từ trên ghế xuống sàn để xua điều rủi và đón điều may.

Không chỉ cầu chúc cho nhau những điều tốt lành, mà Hy Lạp còn có tục kể cho trẻ em nghe những câu chuyện về lòng nhân ái của Thánh Basil và tặng bánh cho chúng. Em nào nhận được miếng bánh bên trong có đồng tiền sẽ là người may mắn.

Ở Anh, người ta thường tập trung ở quảng trường Trafalgar để nghe tiếng chuông đồng hồ Big Bang báo hiệu thời khắc chuyển giao của một năm. Người Anh cũng rất coi trọng tục "xông nhà" đầu năm. Người xông nhà thường là thanh niên chưa vợ, khoẻ mạnh, đẹp trai và mang theo một mẩu than, một miếng bánh mì, những thứ tượng trưng cho sự giàu sang, may mắn và hạnh phúc.

Cũng có tục "xông nhà" như người Anh, nhưng người Scotland còn có tục để ngỏ cửa đón khách trong ngày đầu Năm mới. Khách vào chơi nhà không nhất thiết phải quen biết chủ nhà và chủ nhà có nhiệm vụ tiếp khách và chúc lời tốt đẹp.

Ở Mông Cổ, Tết diễn ra trùng với ngày hội của những người chăn nuôi, nên người Mông Cổ vui Tết quanh cây thông với ông già Tuyết mặc trang phục người chăn nuôi.

Không đốt hình nộm như người Colombia, ở Ấn Độ, vào lúc giao thừa, người ta dùng bột mì kỳ cọ vào cơ thể, rồi vứt vào đống lửa. Trong những ngày đầu Năm mới, tại nơi công cộng, người ta còn để sẵn thùng bột màu để mọi người tạt vào nhau chúc phúc. Ai dính nhiều bột màu, người ấy Năm mới sẽ hạnh phúc.

Tết ở Trung Quốc là dịp sum họp gia đình. Bữa cơm tất niên, cả nhà thưởng thức bánh bao, gà và cá - tất cả đều mang ý nghĩa may mắn.

Để cầu sức khoẻ, trường thọ, may mắn và hạnh phúc, người Nhật Bản trang trí nhà cửa ngày Tết bằng cành cây thông, cây tre hoặc dây thừng. Đêm giao thừa, chuông sẽ ngân 108 lần để xua đi 108 nỗi ưu phiền. Ngày đầu năm, từ mờ sáng, mọi người đều ra đường đón Mặt Trời mọc, rồi cùng cười vì tiếng cười được cho là sẽ xua đi những điều xấu.

Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar ăn Tết theo Phật lịch - 13/4 hàng năm. Năm mới, họ có tục té nước vào nhau để chúc phúc, vẩy nước khắp nơi để cầu mưa thuận gió hoà, ấm no, hạnh phúc. Ai cũng tin người "được" ướt nhiều, năm đó sẽ may mắn, hạnh phúc. Nếu như ở Lào, người ta đem theo chậu, chai, lọ đựng nước đi chúc Tết và người được chúc phải đứng im cho người đến chúc té nước vào người, thì ở Thái Lan hay Myanmar, đang đi đường bạn cũng có thể "được" nhận cả xô nước. Ở vùng Biển Hồ Campuchia, đêm giao thừa, mỗi nhà còn làm một lồng đèn thả trên mặt hồ. Nếu đèn nhà nào vừa đẹp vừa sáng suốt đêm thì nhà ấy sang Năm mới gặp nhiều tốt lành.

Tết cổ truyền cũng là lễ hội lớn nhất ở Việt Nam. Nhà nào cũng có cặp bánh chưng xanh cúng tổ tiên. Dù đi học, đi làm ăn xa thì ngày Tết ai cũng gắng về sum họp trong bữa cơm tất niên với gia đình. Người Việt còn có tục tắm tất niên, ngoài việc làm cho cơ thể sạch sẽ để đón Năm mới, còn để xua đi cái xấu của năm cũ.

Hoàng Minh