Nhỏ Bình thường Lớn

Phóng vệ tinh giám sát mực nước biển dâng

Các cơ quan khoa học Mỹ và châu Âu vừa phóng vệ tinh hợp tác mới để theo dõi mực nước biển dâng trên toàn thế giới.
phong ve tinh giam sat muc nuoc bien dang
Vệ tinh Jason-3 đang được phóng lên quỹ đạo (Nguồn: NASA)

Ngày 17/1, vệ tinh Jason-3 đã được phóng lên từ căn cứ không quân Vandenberg ở California (Mỹ), trở thành vệ tinh mới nhất chuyên theo dõi mực nước biển dâng trên toàn thế giới.

Jason-3 là một vệ tinh quốc tế, do các Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Vũ trụ Pháp (CNES) và Tổ chức châu Âu về khai thác vệ tinh khí tượng (EUMETSAT) hợp tác sản xuất.

Vệ tinh này sẽ trải qua một giai đoạn sáu tháng kiểm tra các thiết bị của nó trên quỹ đạo. Sau đó, nó sẽ chính thức bắt đầu hoạt động, cùng với vệ tinh Jason-2, đã được phóng lên năm 2008.

Khi bay trên một quỹ đạo khoảng 1.000 km phía trên Trái Đất, Jason-3 sẽ sử dụng một radar đo độ cao để giám sát 95% các đại dương đóng băng trên thế giới.

Kể từ năm 1992, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy mực nước biển trên toàn cầu đang dâng  lên với tốc độ 3mm/năm, tổng cộng mực nước biển đang dâng cao 7cm trong 23 năm qua.

Tiến sĩ Stephen Volz, một quản trị viên về dịch vụ thông tin vệ tinh, cho biết: "Jason-3 sẽ cho chúng tôi biết về sự ấm lên của các đại dương, và cập nhật nhiệt độ bề mặt nước biển sẽ giúp việc dự báo về bão được chính xác hơn".

Dữ liệu từ Jason-3 sẽ được sử dụng cho các ứng dụng khoa học, thương mại và các hoạt động khác, bao gồm nghiên cứu đại dương và mô hình sóng, dự báo thủy triều và dòng chảy cho các tàu thuyền thương mại; dự báo về các vấn đề môi trường, bao gồm cả sự cố tràn dầu và sự bùng phát của tảo biển độc hại; nghiên cứu các rạn san hô, và dự báo về các hiện tượng thời tiết El Niño và La Niña.

Hiện nay, mực nước biển dâng lên do biến đổi khí hậu đã làm cho ít nhất 2,6% dân số toàn cầu (177 triệu người) đang phải sống ở những khu vực có nguy cơ ngập lụt thường xuyên.

Trung Hiếu (Tổng hợp)