📞

Phóng viên Reuters lần đầu chia sẻ về bức ảnh “Cô gái vườn đào”

16:57 | 30/12/2016
Chia sẻ về bức ảnh vừa được hãng thông tấn lớn của Anh chọn là bức ảnh đại diện của Việt Nam năm 2016, nhà báo Huy Khâm – tác giả bức ảnh cho rằng, đó là điều hết sức bình thường.

Mới đây, hãng thông tấn Reuters của Anh vừa công bố 155 bức ảnh ấn tượng đại diện cho các quốc gia trên toàn thế giới. Với tiêu đề “Một bức ảnh, một quốc gia, một năm”, mỗi bức ảnh của  phóng viên Reuters đại diện cho một câu chuyện của một quốc gia.

Reuters đã chọn bức ảnh thiếu nữ đứng bên hoa đào để đại diện cho Việt Nam năm 2016. Chú thích ảnh viết: “Một người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài truyền thống, chụp ảnh giữa vườn đào trước dịp Tết Nguyên đán ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 2/2/2016”.

Để độc giả hiểu sâu hơn về sự ra đời của bức ảnh, cũng như tiêu chí chọn bức ảnh của năm của Reuters, TG&VN đã có cuộc trao đổi ngắn với nhà báo Huy Khâm, phóng viên của Reuters tại Việt Nam, tác giả bức ảnh.

Một người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài truyền thống, chụp ảnh giữa vườn đào trước dịp Tết Nguyên đán ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 2/2/2016. (Ảnh: Nguyễn Huy Khâm/Reuters)

Mấy ngày qua, bức ảnh “Cô gái vườn đào” của anh được chia sẻ chóng mặt trên truyền thông và mạng xã hội. Anh thấy thế nào?

Bức ảnh tự dưng nổi tiếng quá, được nhiều người chia sẻ. Tuy nhiên, đối với mình thì nó bình thường thôi. Nó không phải là bức ảnh mới mà được chụp vào thời điểm trước Tết nguyên đán, ở vườn đào Nhật Tân. Đó là một buổi chiều nắng đẹp và lúc đó khoảng 4h30.

Cô người mẫu trong ảnh của anh quả là rất xinh…

Không, không. Mọi chuyện là tình cờ. Hôm đó, tôi đi chụp ảnh các hoạt động chuẩn bị Tết Nguyên đán của người Việt Nam. Tôi đến Nhật Tân để chụp các hoạt động như chăm sóc đào, bán đào, bán quất… Với tôi, trong cuộc sống thường ngày thì tôi đặc biệt thích nón và áo dài. Chính vì vậy, trong quá trình chụp ảnh mà tôi thấy trong bối cảnh xuất hiện nón lá hay áo dài thì tôi đều cố gắng đưa những hình ảnh đó vào ảnh của mình.

Hôm đó, tôi thấy mấy bạn trẻ đi chụp ảnh cho nhau và thấy cô gái mặc áo dài màu đỏ rất đẹp. Sau khi chụp về, buổi tối, tôi chọn một vài bức đẹp để gửi cho hãng. Sau đó, bức ảnh được sử dụng rất nhiều lần trên các báo ở nước ngoài và khi nhắc đến cái Tết của Việt Nam thì họ sử dụng tấm ảnh đó.

Nhà báo Nguyễn Huy Khâm. (Nguồn: FBNV)

Công việc của tôi là cố gắng truyền tải tất cả những gì diễn ra ở Việt Nam, từ các sự kiện chính trị, ngoại giao lớn cũng như đời sống thường ngày của người dân, từ thị trường chứng khoán cho đến các hoạt động của doanh nghiệp, của tiểu thương… Mỗi năm mình truyền hàng ngàn bức ảnh về Việt Nam cho hãng và đó là công việc rất bình thường.

Vậy điều gì đã khiến bức “Cô gái vườn đào” của anh lại được Reuters chọn là bức ảnh đại diện cho Việt Nam năm 2016?

Bình thường, khi Reuters có tổng kết những bức ảnh của năm - họ lựa chọn theo tiêu chí riêng của Ban biên tập. Họ tiến hành lựa chọn xem ở mỗi quốc gia có những bức ảnh nào đẹp. Nó có thể là những bức ảnh sự kiện nổi bật nhưng cũng có thể là điều rất bình thường.

Nhưng năm nay, Reuters lại chọn theo hình thức khác, đó là mỗi quốc gia không được chọn nhiều bức ảnh nữa mà chỉ có một bức duy nhất. Trong năm qua, phóng viên Reuters có mặt ở 155 quốc gia và vì thế có 155 bức ảnh được chọn, trong đó có bức ảnh của tôi.

Trong các bức ảnh được chọn, không phải bức nào khi xem người ta cũng nhận ra đấy là đặc trưng của nước đó. Vì ngoài câu chuyện là mỗi quốc gia một bức ảnh thì những bức ảnh đó cũng phải thể hiện toàn bộ hoạt động của thế giới. Vì thế, có thể quốc gia này là hình ảnh này, nhưng quốc gia khác sẽ là sự kiện khác. Có thể những hình ảnh đó người xem thấy không đặc trưng đâu, nhưng may mắn là bức ảnh Việt Nam được chọn lại khá đặc trưng.

Nhà báo Huy Khâm: "Tôi yêu thích sự chân thật trong mỗi bức ảnh". (Nguồn: FBNV)

Nhưng cộng đồng mạng đã rất xôn xao về bức ảnh của anh trong những ngày qua...

Tôi nghĩ, bức ảnh trở nên nổi tiếng có lẽ bởi nhân vật trong ảnh là một hot girl rất xinh đẹp. Từ việc phát hiện ở phần bình luận của độc giả trên báo Tuổi Trẻ, họ đi theo cái tên đó và phát hiện ra đó là một cô gái nổi tiếng.

Bản thân tôi cũng không biết cô bé đó nổi tiếng, dù sau khi chụp xong thì có bạn nói là cô bé này nickname là Trà Sữa. Nhưng trong lăng kính của một phóng viên hãng thông tấn nước ngoài, mọi cô gái Việt Nam đều xinh đẹp như nhau và với tôi, cứ mặc áo dài thì các cô gái đều đẹp.

Nói như vậy có vẻ như anh đang khiêm tốn quá?

Có lẽ việc bức ảnh được chọn đã đem lại sự thích thú cho mọi người nhiều hơn. Còn với tôi, tôi cũng thấy vui vì công việc bình thường của mình được nhiều người quan tâm. Nhiều bức ảnh mà tôi chụp cũng từng có hàng triệu lượt xem khiến tôi cũng có niềm vui tương tự.

Khách quan mà nói, bức ảnh "Cô gái vườn đào" cũng không có gì quá xuất sắc. Nhiều người chụp còn đẹp hơn tôi. Nhưng ảnh của tôi thì không có sự sắp đặt mà chỉ truyền tải trung thực những gì đang diễn ra. Nó còn một vài chi tiết khiến cho bức ảnh chưa hoàn hảo nhưng đó là thực tế cuộc sống. Tôi yêu thích sự chân thật đó.

Anh có được Reuters thưởng khoản gì đó sau khi bức ảnh được chọn không?

Không, không. Đó là câu chuyện bình thường trong công việc. Họ chọn mỗi quốc gia một bức ảnh. Mà ở Việt Nam chỉ có tôi là phóng viên của Reuters nên chuyện ảnh của tôi được chọn là điều rất bình thường thôi. Đó là điều hoàn toàn bình thường.

Xin cảm ơn anh!

(thực hiện)