Chiều chủ nhật, bên ngoài một phòng học tại một trung tâm dạy thêm ở Bắc Kinh (Trung Quốc), chị Amy Jiang đang cùng cô con gái 7 tuổi ăn vội bữa trưa trước khi bước vào giờ học. Hai mẹ con tranh thủ dùng bữa trong giờ nghỉ giữa hai buổi học thêm, mỗi buổi kéo dài gần 2 tiếng.
“Tôi phải ở đây hỗ trợ con trong những bài quá khó như phép hoán vị, tổ hợp trong Toán hay tiếng Hán cổ”, chị Amy Jiang chia sẻ.
Cũng giống như hàng triệu phụ huynh khác ở Trung Quốc, Amy Jiang cũng đang dành phần lớn thời gian cuối tuần để đưa con tham gia vào các lớp học thêm để theo kịp với chương trình học khá áp lực trên lớp.
Nổi tiếng với nền giáo dục đầy áp lực, việc dạy thêm, học thêm đã không còn xa lạ tại Trung Quốc. Không chỉ học sinh dành hầu hết thời gian học ở lớp, học thêm và làm bài tập về nhà, nhiều bậc phụ huynh cũng phải cùng con lao vào cuộc đua giành suất tại trường đại học danh tiếng.
Nhà nhà học thêm
Áp lực học tập cao điểm nhất của học sinh Trung Quốc thường vào thời điểm chuẩn bị tuyển sinh vào Đại học, tức những năm cuối Trung học phổ thông. Tuy nhiên, theo một báo cáo thường niên của Diễn đàn Giáo dục Trung Quốc, tình trạng học thêm đã trở nên phổ biến ngay ở cấp tiểu học.
Áp lực học tập cao điểm nhất của học sinh Trung Quốc thường vào thời điểm chuẩn bị tuyển sinh vào Đại học, tức những năm cuối Trung học phổ thông. (Nguồn: SCMP) |
Hơn 60% học sinh tiểu học Trung Quốc có học thêm những môn như tiếng Anh, Văn và Toán. Tại hai thành phố lớn nhất Trung Quốc là Bắc Kinh và Thượng Hải, có đến 70% học sinh tiểu học có học thêm bên ngoài. Nhìn chung, khi bậc học càng cao, tỷ lệ học thêm tại Trung Quốc sẽ ngày càng tăng.
Theo Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc, trung bình một phụ huynh Trung Quốc chi khoảng 120 nghìn Nhân dân tệ (tương đương hơn 400 triệu đồng) một năm cho việc học thêm của con mình. Một số phụ huynh thậm chí còn tiết lộ con số lên đến hơn 300 nghìn Nhân dân tệ (tương đương 1 tỷ đồng) cho việc học thêm.
Kết quả khảo sát năm 2015 của Trung tâm Nghiên cứu Thanh niên và Trẻ em Trung Quốc cho thấy, học sinh Trung Quốc dành trung bình 50 phút mỗi ngày trong tuần và hai giờ vào cuối tuần ở các lớp học thêm.
“Các lớp dạy thêm bên ngoài thường giảng bài mới trước cùng với cường độ cao để nhằm cải thiện kỹ năng làm bài kiểm tra của học sinh. Phụ huynh sau đó bị cuốn theo, cố gắng hết mình để bảo đảm cho con cái mình bắt kịp bạn bè”, Tan Xiaoyu - chuyên gia tại Học viện Khoa học Giáo dục Thượng Hải cho biết.
Cùng nhu cầu học tập để đạt thành tích tốt, chạy đua vào trường đại học của học sinh và phụ huynh, thị trường dạy thêm, học thêm phát triển chóng mặt. Dạy thêm được xem là một ngành công nghiệp “béo bở” của Trung Quốc khi dự kiến sẽ tăng gấp đôi về quy mô, từ 479 triệu Nhân dân tệ năm 2016 lên hơn 1 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2021, theo Báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Đầu tư đa quốc gia UBS (Thụy Sĩ).
Đến năm 2020, Chính phủ nước này ước tính khoảng 191 triệu học sinh học thêm. Quá trình đô thị hóa cùng cuộc cạnh tranh vào đại học hàng đầu thúc đẩy phụ huynh chi nhiều tiền hơn cho việc học của con cái.
Nỗ lực cắt giảm
Trước áp lực của việc dạy và học thêm ngày càng tăng cao, từ đầu năm 2018, Chính quyền Bắc Kinh đã ban hành một số hướng dẫn khuyên các phụ huynh nên giảm bớt thời gian của con em họ vào các lớp học thêm. Kỳ tuyển sinh vào Trung học cũng được bãi bỏ.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã áp dụng một số biện pháp trong những năm qua để giảm khối lượng bài vở cho học sinh tiểu học và trung học. Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đưa ra hướng dẫn quản lý trường học và yêu cầu các học sinh tiểu học phải được ngủ đủ 10 giờ/đêm.
Khối lượng bài tập của học sinh tiểu học và trung học cơ sở không giảm đi, mà thực tế còn tồi tệ hơn. (Nguồn: SCMP) |
Tuy nhiên, việc giảm học hành trên lớp lại làm tăng trách nhiệm của cha mẹ. Ngoài ra, hệ thống kiểm tra lựa chọn cạnh tranh vẫn tồn tại. Xu hướng dạy thêm, học thêm liên tục phát triển đã taọ nên áp lực chi phí nặng nề đối với nhiều hộ gia đình.
Thanh tra văn phòng giáo dục tỉnh Sơn Đông Zhang Ziyong cho biết, việc tập trung vào học tập thêm và nhồi nhét kiến thức là lý do làm gia tăng số trẻ gặp vấn đề về tâm lý tại các trường.
“Từ những năm 1950 trở lại đây, Trung Quốc bắt đầu cố gắng giảm bớt gánh nặng của việc học. Nhưng cho đến giờ khối lượng bài tập của học sinh tiểu học và trung học cơ sở không giảm đi, mà thực tế còn tồi tệ hơn”, ông Zhang nói.
Mới đây, một Báo cáo khảo sát ý kiến các chuyên gia, giáo viên, nhà kinh tế và đại diện doanh nghiệp cho thấy, gần một nửa phụ huynh cho biết hệ thống thi tuyển sinh cho các trường học và đại học Trung Quốc cần một cuộc cải tổ toàn diện để giảm áp lực học tập cho học sinh.
Báo cáo cũng khuyến cáo, việc đánh giá học tập không nên chỉ dựa trên kết quả kiểm tra mà các trường học và giáo viên nên cố gắng thúc đẩy phát triển học tập toàn diện hơn cho học sinh.