Tác phẩm “Đàn bà” của họa sỹ Nguyễn Đức Phương (Nguồn: Ban Tổ chức cung cấp). |
Theo bà Nguyễn Nga, một Việt kiều Pháp, chủ nhân ngôi nhà nghệ thuật cho biết: “Không phải là một triển lãm tranh, hơn thế nữa, đó là sự trải lòng của người phụ nữ về cuộc sống đương đại, là những tìm tòi, trăn trở trên hành trình đi tìm hạnh phúc. Cuộc Gặp gỡ Nghệ thuật trong ngôi nhà nghệ thuật với chủ đề Phụ Nữ: Đàm thoại và Độc thoại” xuyên suốt qua 3 loại hình nghệ thuật: Điện ảnh, Văn học và Hội họa.
Hoạt động điện ảnh diễn ra từ 30/10- 2/11 với các buổi trình chiếu 2 bộ phim kinh điển Thelma và Louise và “Piano- Dương cầm” về phụ nữ của hai nữ đạo diễn đã từng đoạt giải Oscar, do Ban Tổ chức đã lựa chọn từ nhiều bộ phim.
Ngày 30/10, hoạt động văn học là buổi tọa đàm với nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến; Nhà văn Y Ban; Nhà báo nhà giáo Lý Hải Yến; Nhà văn, dịch giả Trang Hạ dưới sự chủ trì của nhà văn hóa Nguyễn Nga.
Xuyên suốt chương trình đến ngày 30/11 là hoạt động trưng bày 35 tác phẩm hội họa của 18 họa sỹ từ chất liệu: sơn dầu, sơn mài, gốm, chất liệu tổng hợp và tranh được vẽ từ đất phù sa sông Hồng.
Tiếp xúc với các các phẩm hội họa này, nhà phê bình Pháp Daniel Fydman cho rằng: “Thật khó khăn cho phụ nữ để thoát khỏi những khuôn mẫu mà xã hội thường áp đặt, tôn vinh và sử dụng đến độ tạo ra sự đau khổ thực sự mà chính những nữ họa sỹ trẻ cảm nhận thấy khó có thể vượt qua.
Đối với nam giới, phụ nữ là đối tượng của tất cả những vẻ đẹp và tất cả nhân loại nằm trong bức chân dung mở đến những ước mơ và trí tưởng tượng. Đó là những khát vọng mà chính ta phải đối mặt với sự khẳng định và nghi hoặc. Những người đàn bà đẹp, lộng lẫy, mơ mộng và đôi khi đau đớn, mang trên mình những khát vọng đa chiều của đàn ông. Một bức tranh là cầu nối khoảng cách giữa những người đàn ông và những người đàn bà, với một cơ thể bị cắt xén hoặc nhàu nát mà chúng ta cảm nhận được, qua sự thể hiện chuyên môn của tác giả.
Đối với các nữ họa sĩ, lại là một thế giới khác, nội tâm hơn, nơi họ không thể tạo ra khoảng cách mà không thấy mình bị trói buộc hoặc tù túng bởi “đất lề quê thói”. Nơi đây, vẻ đẹp được thể hiện nguyên bản và đương nhiên vẫn có chút tình yêu và hy vọng, nhưng chỉ là những đốm sáng bên cạnh những chức năng trụ cột của sự lao động vất vả như thân trâu trong một xã hội còn mang tính nông nghiệp. Mối tương quan này được thể hiện rất mạnh mẽ và đầy cao thượng trong bức tranh người phụ nữ với con trâu! Hy vọng của họ thật mong manh (như cuộc đi câu) hoặc khó tưởng tượng trong sự khép mình tự đóng khung do tác động từ bên ngoài. Và thiên chức làm mẹ, với thân hình méo mó dị dạng, khó có thể đưa họ đến gần hơn những khuôn mẫu được tôn vinh hay áp đặt...”
Minh Hòa