📞

Phụ nữ Hàn Quốc: Thoát khỏi “vẻ đẹp hoàn hảo”

14:10 | 30/11/2018
Phụ nữ Hàn Quốc vốn nổi tiếng với vẻ đẹp “không tì vết”, đòi hỏi sự hoàn hảo từ khuôn mặt đến thân hình. Nhưng với làn sóng nữ quyền ngày càng phát triển, nhiều cô gái của xứ sở kim chi đã vùng lên để thoát khỏi những sức ép quá lớn đến từ xã hội về việc "phải đẹp".

Kim Ji-yeon luôn mong muốn được phẫu thuật thẩm mỹ từ khi bảy tuổi. Trong suốt 13 năm sau, cô đã xé bỏ tất cả những bức ảnh của mình cho đến khi, cha mẹ cô đồng ý cho cô phẫu thuật hàm để tạo ra một khuôn mặt V-line (được coi là vẻ đẹp chuẩn mực tại nhiều nước Đông Á). Thẩm mỹ xương mặt vô cùng đau đớn, đòi hỏi có thời gian dài phục hồi, chăm sóc hậu phẫu. Nhưng chẳng hề gì nếu nó mang lại vẻ đẹp mà cô hằng mong muốn.

Không những vậy, cô gái trẻ còn phải chi hơn 200 USD một tháng để mua mỹ phẩm và khoảng hai tiếng mỗi ngày cho việc làm đẹp bản thân. Đây là con số bình thường để tiến gần hơn tới "chuẩn mực vẻ đẹp" tại xứ sở kim chi. Cô tự hỏi bản thân tại sao phải bỏ ra quá nhiều tiền và thời gian như vậy. Và rồi, dần dần, cô cắt bỏ đi mái tóc dài nhuộm màu thời thượng, đập nát đồ trang điểm và hoàn toàn thoải mái ra đường với khuôn mặt mộc.

Quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ tại một nhà ga tàu điện ngầm ở Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: Getty)

Nỗi ám ảnh cứng nhắc

Kim Ji-yeon, 22 tuổi, chỉ là một ví dụ của nhóm phụ nữ Hàn Quốc đang đứng lên chống lại các tiêu chuẩn cứng nhắc về làm đẹp của xã hội – một phong trào mang tên “thoát khỏi chiếc áo corset”. Lấy cảm hứng từ phong trào #MeToo đã khuấy động nền văn hóa vốn nặng tính gia trưởng tại Hàn Quốc, những người phụ nữ đang thách thức thái độ ủng hộ phẫu thuật thẩm mỹ và dùng mỹ phẩm tại một trong những nơi ám ảnh vì việc "phải đẹp" nhất trên thế giới.

Ảnh hưởng khổng lồ của ngành công nghiệp làm đẹp lên xã hội Hàn Quốc cũng chẳng khiến mọi chuyện dễ dàng hơn với phụ nữ nước này. Hàn Quốc có tỷ lệ người dân phẫu thuật thẩm mỹ cao nhất thế giới và con số này không ngừng tăng lên. Theo Euromonitor, khoảng 1/3 phụ nữ trẻ thú nhận rằng họ từng đụng dao kéo.

Chưa dừng lại ở đó, các ngôi sao K-Pop luôn xuất hiện trên TV với hình ảnh rạng ngời, đa số cũng phải trải qua những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ khiến giới trẻ coi đó là tiêu chuẩn của cái đẹp. Phụ nữ trẻ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những video dạy trang điểm trên YouTube, và quảng cáo mỹ phẩm trên đường phố, phương tiện công cộng hay trên TV.

Thoải mái với chính mình

Vài năm gần đây, làn sóng nữ quyền ngày càng phát triển tại Hàn Quốc, phụ nữ đang đứng lên chống lại những quan niệm cũ kỹ trong xã hội hiện đại như bất bình đẳng giới tính. Phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc không được coi trọng nhiều như nam giới. Khoảng cách lương giữa đàn ông và phụ nữ tại xứ sở kim chi là cao nhất trong số các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Phụ nữ chỉ chiếm một phần sáu số ghế trong Quốc hội và một phần mười các vị trí quản lý trong doanh nghiệp.

Bởi vì lẽ đó, phong trào “thoát khỏi chiếc áo corset” đã tìm được những người đồng cảm. Bae Eun-jeong, được biết đến với cái tên Lina Bae, 21 tuổi, là một ngôi sao YouTube, chuyên đăng những video hướng dẫn làm đẹp. Sau khi nghe về phong trào vào đầu năm nay, cô ngồi đọc kỹ các bình luận trên kênh YouTube của mình. Phần nhiều trong số đó đến từ các cô gái trẻ nói rằng việc trang điểm đã cho họ can đảm để đến trường.

Để giúp phần nào thay đổi suy nghĩ đó, Lina Bae đã đăng một video vào tháng Sáu vừa qua để gửi tới một thông điệp rằng: “không cần quan tâm đến cách người khác nhìn nhận bạn. Bạn đặc biệt và xinh đẹp theo cách riêng của chính mình”. Kể từ đó, cô đã cắt tóc ngắn và ngừng trang điểm, tiết kiệm gần 500 USD một tháng. Giờ đây, cô tập trung vào sản xuất video nấu ăn và chia sẻ ý tưởng.

Tuy vậy, phong trào này cũng gây phản ứng không tích cực do phản ứng thái quá đến từ một xã hội khắc nghiệt. Lina Bae, Kim Ji-yeon, và nhiều người hưởng ứng khác với mái tóc ngắn ngược thời, nói rằng họ trở thành mục tiêu chê bai, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng. Kim Ji-yeon còn bị từ chối tuyển dụng do vẻ ngoài “không đủ nữ tính”.

Nhiều phụ nữ trong phong trào này tin rằng hành động của họ có gây một tác động nhỏ đến ngành công nghiệp trang điểm. Trong một quảng cáo gần đây của thương hiệu Missha có xuất hiện người mẫu tóc ngắn và trên mặt có vài vết tàn nhang. “Hãy ra ngoài, vạch trần những khiếm khuyết của bạn và tuân theo các tiêu chuẩn của riêng bạn chứ không phải là những người khác" – đó là thông điệp mà Missha gửi tới người dùng. Tuy vậy, quảng cáo vẫn chủ yếu đi theo tiêu chuẩn vẻ đẹp của Hàn Quốc và hầu hết những người mẫu đó đều trang điểm.

Chưa biết rằng phong trào này có đem tới sự thay đổi sâu sắc tới xã hội Hàn Quốc hay không. Nhưng ít nhất, những người phụ nữ có thể được sống thoải mái với chính bản thân mình mà không phải lo lắng đến cái nhìn của người khác, đó thực sự là một cuộc giải phóng tâm hồn.

(theo New York Times)