Phụ nữ tại khu vực MENA đối diện nhiều sức ép từ chuẩn mực xã hội và hệ thống pháp luật, do đó chính phủ cần nghiêm túc lắng nghe và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của họ. (Nguồn: MZEMO) |
Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chuẩn bị tổ chức chương trình nghị sự COP 28 từ ngày 30/11-12/12, đây sẽ là Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Do đó, COP 28 sẽ là tiền đề để khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) giải quyết những thách thức hiện có, đặc biệt là vấn đề trao quyền cho phụ nữ, giúp bổ sung tính toàn diện cho chính sách và thúc đẩy lợi ích toàn thể công dân.
Vậy hiện phụ nữ tại khu vực MENA đang đối diện với thách thức gì và giải pháp nào có thể đẩy lùi được tình trạng đó?
Khó khăn bủa vây
Hiện khu vực MENA đối diện với các rào cản lớn trong nông nghiệp, an ninh lương thực và nguồn nước. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, khủng hoảng lương thực tác động nghiêm trọng lên phụ nữ hơn nam giới, vì phụ nữ gặp khó khăn trong việc tiếp cận và quản lý tài nguyên nước, vốn là yếu tố then chốt với sản xuất nông nghiệp.
Sở dĩ phụ nữ chịu nhiều hệ lụy từ khủng hoảng lương thực là bởi tình trạng bất bình đẳng giới tại khu vực MENA. Theo Liên hợp quốc, định kiến xã hội đã bó buộc cơ hội phát triển của người phụ nữ và khiến họ chấp nhận địa vị xã hội thấp hơn nam giới.
Các chuẩn mực truyền thống về giới không chỉ cản trở phụ nữ tiếp cận các nguồn tài nguyên, bao gồm đất đai, nước và tín dụng, mà còn ngăn họ tham gia đóng góp cho an ninh lương thực. Chính nguy cơ này đang đặt ra những rào cản đáng kể cho sự phát triển bền vững của khu vực.
Về đất đai, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế ở vùng khô hạn (ICARDA), phụ nữ chỉ sở hữu khoảng 5% đất nông nghiệp ở khu vực MENA và họ có ít cơ hội tham gia vào các quyết định, chính sách liên quan đến quản lý đất đai. Điều này có thể hạn chế năng suất nông nghiệp và thu nhập của phụ nữ, góp phần gây mất an ninh lương thực.
Về tín dụng, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), phụ nữ vùng MENA buộc phải chấp hành hệ thống luật pháp mang tính phân biệt đối xử và qua đó ngăn họ tiếp cận dịch vụ tài chính. Vì vậy, phụ nữ khó đảm bảo đủ tiền để cải thiện năng suất, nâng cấp cơ sở trang trại và dần khiến nền tảng tài chính của họ suy yếu, góp phần vào nguy cơ mất an ninh lương thực.
Về nước, khu vực MENA được xếp vào hạng những nơi khan hiếm nước nhất thế giới. Phụ nữ tại đây thường có trách nhiệm quản lý nước, mặc dù công việc này tiêu tốn nhiều thời gian và sức lực. Vì vậy, WB nhận định rằng, trong bối cảnh phụ nữ và trẻ em ở khu vực MENA dành tới 6 tiếng mỗi ngày để lấy nước, họ không còn thời gian để tham gia vào hoạt động giáo dục, việc làm để nâng cao chất lượng đời sống.
Tầm nhìn phía trước
Đất đai, nước và tín dụng là 3 trong số những rào cản lớn ngăn phụ nữ đạt được bình đẳng tài chính tại khu vực MENA. Ảnh: Các đại biểu thảo luận về vai trò và quyền lợi của phụ nữ tại diễn đàn IndustriALL MENA ở thủ đô Beirut, Lebanon năm 2019. (Nguồn: Industriall-union.org) |
Sở dĩ phụ nữ phải hứng chịu nhiều khó khăn như vậy là bởi chính quyền chưa quan tâm đầy đủ tới cuộc sống bấp bênh của người dân. Do đó, việc chính phủ trao quyền lãnh đạo cho phụ nữ là xu thế tất yếu, nhằm đưa họ vào quá trình hoạch định chính sách và giải quyết những vấn đề vốn khiến họ trăn trở.
Trong đó, chính quyền cần đảm bảo phụ nữ được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng các nguồn tài nguyên, cơ hội phát triển trong giáo dục, công việc. Đây là nền móng vững chắc để các quốc gia khu vực MENA tiến tới phát triển bền vững nguồn lương thực.
Bên cạnh giáo dục và công việc, bình đẳng giới là một mục tiêu cần được nhà nước lưu tâm và triển khai. Nghiên cứu của UN Women cho thấy, chương trình bình đẳng giới có thể thúc đẩy phụ nữ tham gia hoạch định chính sách trong các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, an ninh lương thực và nước.
Bộ trưởng về biến đổi khí hậu và môi trường của UAE Mariam bint Mohammed Almheiri từng phát biểu rằng, phụ nữ có quyền trở thành người đóng góp tích cực cho nông nghiệp. Vì họ chịu tác động bởi các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và khủng hoảng lương thực, nên việc trao quyền cho phụ nữ là một nghĩa vụ đạo đức, đặc biệt là ở khu vực MENA.
Như vậy, những thách thức mà khu vực MENA phải đối mặt trong nông nghiệp, an ninh lương thực và nguồn nước đã tác động nghiêm trọng tới phụ nữ. Bên cạnh đó, vấn đề bất bình đẳng giới và định kiến xã hội tiếp tục hạn chế phụ nữ tiếp cận đầy đủ nguồn tài nguyên và cơ hội phát triển.
Song những rào cản đó hoàn toàn có thể được đẩy lùi, thông qua việc đưa phụ nữ vào quá trình hoạch định chính sách và tạo điều kiện để họ tiếp cận giáo dục, công việc. Hơn nữa, các chương trình bình đẳng giới sẽ củng cố tiếng nói của phụ nữ trong xã hội và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển bền vững của khu vực MENA.