📞

Phương Tây học cách kiếm tiền trực tuyến của phương Đông

20:00 | 06/05/2016
Nền kinh tế mobile – first (tạm dịch “di động là trên hết”) ở châu Á – Thái Bình Dương (TBD) đang là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho phương Tây.

Quan điểm trên được tác giả Matthew Dibb đưa ra trong một bài viết của mình trên trang TechCrunch. Theo ông, châu Á – TBD được cho là khu vực dẫn đầu nền tảng kỹ thuật số toàn cầu và là nơi có 50% số nhà phát triển điện thoại di động thế giới, với số lượng kết nối Internet không dây lớn nhất.

Trước đây, khu vực này đã từng có giai đoạn chỉ thu hút được 1/3 lượng chi phí đầu tư về marketing của các công ty di động thế giới. Tiềm năng khu vực trong lĩnh vực này bị các đối tác phương Tây đánh giá thấp.

Thế hệ người tiêu dùng mới

Yếu tố tạo ra sự thay đổi này khởi nguồn từ một điều tra của Google hồi cuối 2014. Kết quả điều tra cho thấy hiện tượng điện thoại di động thâm nhập vào châu Á lớn hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Thậm chí, nhu cầu dùng điện thoại của người châu Á còn vượt cả nhu cầu sử dụng máy tính và do vậy đã tạo ra một thế hệ người tiêu dùng qua di động.

Thế hệ người tiêu dùng này đã thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh hàng năm của các công ty công nghệ châu Á – TBD lên hai con số, gấp đôi so với tốc độ bán lẻ truyền thống của khu vực. Dù có quỹ đạo tăng trưởng tương tự ở Bắc Mỹ, những công ty châu Á này đã tạo ra sự khác biệt nhờ tiềm năng nâng cao phạm vi ảnh hưởng của khu vực châu Á - TBD trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Người châu Á thích mua sắm qua điện thoại di động. (Nguồn: TechCrunch)

Theo đuổi doanh thu đa mục tiêu

Trong lúc doanh thu của các công ty thương mại điện tử phương Tây phần lớn phụ thuộc vào quảng cáo thì doanh thu của các công ty phía châu Á – TBD lại đến từ những nguồn đa dạng hơn.

Thực tế cho thấy, 90% doanh thu của Alphabet và Facebook, hai công ty trực tuyến lớn nhất ở phương Tây, thu được là nhờ quảng cáo. Còn Alibaba Group, tập đoàn thương mại trực tuyến lớn nhất ở châu Á – TBD thì lại không thể hoạt động được nhờ mô hình nói trên. Trong khi đó, Tencent Holdings - tập đoàn lớn thứ hai, cũng chỉ có 20% doanh thu nhờ quảng cáo.

Thực tế, những ứng dụng tiêu dùng phổ biến trên di động ở khu vực châu Á - TBD như WeChat, Line, và KakaoTalk,... đều đa chức năng, kết hợp với thương mại điện tử, xử lý thanh toán, liên kết trò chơi và các hàng hóa, dịch vụ kỹ thuật số khác...

Thành công của những ứng dụng này là nguồn cảm hứng lớn cho những thương hiệu phương Tây như Pinterest, Twitter, Instagram và Facebook đồng loạt ra mắt thử nghiệm nút “Mua” (Buy it) trong ứng dụng của mình hồi năm 2015.

Tuy vậy, theo Matthew, hiện nay, bước đột phá trong thương mại điện tử trên mạng xã hội của phương Tây vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm. Mạng xã hội Facebook đã phát huy chức năng mới, nâng cao giá trị của dịch vụ quảng cáo hiện tại chứ chưa có chiến lược kiếm tiền độc lập. Một nửa số tiền quảng cáo của Facebook và Alphabet kiếm được là từ di động nên việc theo đuổi các chiến lược tìm kiếm mục tiêu kinh doanh thay thế vẫn còn là chuyện bí mật.

Dù vậy, khả năng cao là họ vẫn phải theo đuổi loại hình doanh thu đa mục tiêu và trở thành một phần của hỗn hợp với thương mại di động của phương Đông. Đây cũng là một xu hướng mới ra đời ở phương Tây, giúp người tiêu dùng tham gia vào các nền tảng đa chiều.

(theo TechCrunch)