Phương thức mua sắm bằng giọng nói thông qua những chiếc loa thông minh và ứng dụng điện thoại thông minh đang ngày càng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, mở ra một kênh "đàm thoại thương mại" mới và có khả năng làm gián đoạn ngành bán lẻ.
Thay vì trực tiếp đến lựa chọn hàng hóa tại các cửa hiệu hay lướt mắt tìm kiếm trên các màn hình, người tiêu dùng giờ đây có thể mua sắm bằng giọng nói với vài đoạn hội thoại đơn giản.
Theo một khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường OC & C Strategy Consultants thực hiện, phương thức mua sắm bằng giọng nói dự kiến sẽ mang lại doanh thu tới 40 tỷ USD hàng năm chỉ tính riêng tại Mỹ vào năm 2022. Nhờ phương thức này, người tiêu dùng chỉ cần ra lệnh cho những chiếc loa nằm sẵn đâu đó trong nhà, trong ôtô như Alexa của Amazon hay Google Home sử dụng trí tuệ nhân tạo để tìm hiểu thông tin, chọn hàng, mua hàng và trả tiền bằng những cách thức thuận tiện nhất. Theo OC & C, ước tính, loa Amazon Echo được sử dụng trong khoảng 10% số hộ gia đình ở Mỹ, trong khi con số này của Google Home là 4%. Danh mục mua sắm phổ biến nhất thông qua giọng nói là cửa hàng tạp hóa, dịch vụ giải trí, đồ điện tử và quần áo.
Nhiều nhà bán lẻ lớn cung cấp dịch vụ mua sắm bằng giọng nói thông qua thiết bị hỗ trợ thông minh. (Nguồn: androidpolice) |
Bà Victoria Petrock thuộc Công ty nghiên cứu eMarketer đánh giá mọi người đều ưa thích sự tiện lợi và tương tác tự nhiên của việc sử dụng giọng nói để mua sắm hàng hóa hay dịch vụ, thay vì phải gõ bàn phím. Một cuộc khảo sát của eMarketer gần đây cho thấy 36% người tiêu dùng Mỹ thích ý tưởng sử dụng một "trợ lý ảo" tại nhà như một chiếc loa thông minh Amazon Echo để mua hàng.
Đồng quan điểm, ông Mark Taylor, Phó Chủ tịch điều hành của công ty tư vấn Capgemini và đồng tác giả của một nghiên cứu về thương mại đàm thoại, nhận định phương thức mua sắm thông qua loa thông minh "đang tăng theo cấp số nhân" và "đang trở thành một phần của cuộc sống của chúng ta". Ông chia sẻ: "Chúng tôi rất quen với việc yêu cầu Alexa hoặc Google thực hiện điều gì đó thay mặt chúng tôi, chỉ đơn giản bật công tắc lên và nói: 'Này Alexa, mua cho tôi thức ăn cho chó'". Ông cho biết hiện tại, các giao dịch mua sắm bằng giọng nói đều là những hàng hóa ít phải suy nghĩ nhiều, như những mặc hàng mà người tiêu dùng đã mua trước đó. Tuy nhiên, khi mọi người ngày càng cảm thấy thuận tiện với các "trợ lý đàm thoại" này, danh sách mua sắm có thể mở rộng sang những mặt hàng đòi hỏi "sự cân nhắc nhiều hơn" như bảo hiểm hay dịch vụ tài chính.
Nghiên cứu của Capgemini cho thấy rất nhiều người tiêu dùng hài lòng với việc tương tác bằng giọng nói và hình thức này ngày càng được sử dụng rộng rãi khi người ta muốn tìm kiếm thông tin cũng như mua sắm. Có thể nói hình thức mua sắm qua giọng nói có tiềm năng trở thành một hình thức tiêu dùng "chủ đạo" chỉ trong vòng vài năm.
Ông Manlio Carrelli, Phó Chủ tịch điều hành công ty Live Person chuyên cung cấp công nghệ cho các doanh nghiệp về nền tảng trực tuyến, nhận định "giao diện đàm thoại" là một lợi thế to lớn trong một số tình huống. Ông cho rằng các hệ thống này rất quan trọng không chỉ đối với hoạt động buôn bán mà còn với dịch vụ khách hàng, theo đó giảm thiểu nhu cầu cho các tổng đài tiếp nhận các cuộc gọi của khách hàng, cũng như tiết kiệm hàng triệu USD cho doanh nghiệp.
Có thể thấy mua sắm qua giọng nói bằng những chiếc loa hay ứng dụng thông minh đang ngày càng được chấp nhận ở nhiều cửa hàng tại Mỹ. Chuỗi cửa hàng Pizza Domino đã chấp nhận công nghệ này, cho phép các đơn đặt hàng thông qua Amazon Alexa, Google Home, Facebook Messenger và các nền tảng khác. Tại Pháp, các thiết bị Google Home có thể được sử dụng để mua sắm tại Tập đoàn bán lẻ khổng lồ Carrefour. Ngoài ra, các nhà bán lẻ Trung Quốc cũng đã hợp tác với các công ty công nghệ cho các dịch vụ tương tự.