Ngành công nghiệp Nga từ lâu đã chú trọng vào các chương trình phát triển phương tiện tự hành không người lái dưới nước. Đến nay, một số dự án quân sự tương tự đã được sản xuất và ứng dụng thực tiễn. Nhiều loại thiết bị khác nhau ra đời phục vụ công tác tuần tra và trinh sát, tìm kiếm các vật thể dưới nước và thậm chí hỗ trợ các cuộc tập trận hải quân.
Thiết kế ngoại hình dược cho là của AUV Sarma. (Nguồn: Top War) |
Tiến độ dự án
Dự án phát triển AUV Sarma bắt đầu vào năm 2018 theo sáng kiến của Quỹ Nghiên cứu tiên tiến Liên bang Nga (FPI). Mục tiêu của chương trình này là tìm ra các công nghệ và giải pháp phù hợp cho sự phát triển tiếp theo của các nền tảng tự động đa năng dưới nước. Những thiết bị này được lên kế hoạch sử dụng để hỗ trợ các hoạt động của tuyến đường biển phía Bắc nói riêng và chiến lược phát triển của toàn bộ Bắc Cực nói chung.
Theo phương châm của FPI, dự án AUV mới phải là một nền tảng đa năng đặc biệt, thích nghi với các nhiệm vụ hoạt động ở vĩ độ cao và phải có tính tự chủ. Thiết bị phải hoạt động dưới điều kiện băng giá ít nhất ba tháng mà không cần tiếp nhiên liệu.
Hợp đồng dự án AUV Sarma thu hút sự quan tâm và tham gia của Cục Thiết kế trung ương Lazurit và tập đoàn Almaz-Antey khu vực Đông Kazakhstan. Các tổ chức này nổi tiếng về kinh nghiệm thiết kế và đủ năng lực sản xuất các thiết bị tự hành. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả thực hiện dự án, Bộ Quốc phòng bố trí một phòng thí nghiệm chuyên biệt tại Lazurit dưới sự hỗ trợ của FPI.
Hiện tại, các đơn vị trên đang chế tạo nguyên mẫu đầu tiên và dự kiến bàn giao mô hình AUV Sarma với hình kích thước đầy đủ trong năm nay. Bên cạnh đó, đầu tháng 7/2021, AUV Sarma sẽ chính thức trình làng tại triển lãm Innoprom-2021 ở Yekaterinburg.
Trước đó, có thông tin cho rằng mẫu AUV Sarma đang được chế tạo trong năm nay sẽ thử nghiệm ở Biển Trắng. Trong trường hợp không gặp bất cứ trở ngại nghiêm trọng nào, AUV Sarma có thể sẽ được sản xuất hàng loạt vào năm 2024.
Cơ hội và thách thức
FPI và các đơn vị trên đã tiết lộ diện mạo chung của bộ máy AUV Sarma trong tương lai và mức hiệu suất dự kiến. Đồng thời, họ cũng công bố những khó khăn trong quá trình hoàn thiện.
Theo các tài liệu được công bố, AUV Sarma nhìn bên ngoài trông giống như một quả ngư lôi lớn, mặc dù kích thước cụ thể vẫn chưa được xác định. AUV Sarma có thân hình trụ với phần đầu hình bán cầu, có thể tiến hành nghiên cứu khoa học, các hoạt động tìm kiếm, kiểm tra và bảo dưỡng các vật thể dưới nước.
Một trong những nhiệm vụ chính là tạo ra một máy phát điện đáp ứng yêu cầu lặn sâu liên tục nhiều tháng như ý tưởng thiết kế. Trở lại năm 2018, các kỹ sư cho biết, họ tập trung phát triển cho AUV Sarma một máy phát điện không phụ thuộc vào không khí, có hiệu suất cao. Điều này sẽ cho phép phương tiện này hoạt động dưới nước trong vài tháng mà không cần tiếp cận với không khí và không cần tiếp nhiên liệu, nhưng vẫn đảm bảo hoạt động.
Theo tính toán, một máy phát điện như vậy khả năng tự chủ lên đến 90 ngày. Phạm vi hoạt động trong một lần tiếp nhiên liệu hơn 8,5 nghìn km với tốc độ khoảng vài hải lý/giờ.
Bên cạnh đó, một hệ thống kiểm soát hoàn toàn tự chủ đang được phát triển, cho phép AUV Sarma hoạt động mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của con người. Hệ thống này phải đảm bảo AUV Sarma di chuyển dọc theo một tuyến đường nhất định, có thể thích nghi với các yếu tố môi trường dưới biển và chướng ngại vật phát sinh. Rất có thể những công nghệ tiên tiến nhất, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo sẽ tích hợp vào hệ thống điều khiển tự động này.
Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của dự án Sarma là khả năng điều hướng. Tuy nhiên, các kỹ sư đang tích hợp được một hệ thống định vị mới, có thể hoạt động tự chủ với độ chính xác cao bằng các thuật toán.
Kỹ thuật của tương lai
Trong những tháng tới, nhiệm vụ chính của FPI là hoàn thành việc xây dựng mô hình thử nghiệm đầu tiên. Sau đó, các mẫu AUV Sarma sẽ được bàn giao cho quân đội tiến hành để thử nghiệm, nhằm xác định khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đã chọn và cải thiện những điểm còn hạn chế.
Giai đoạn năm 2023-2024 của chương trình AUV Sarma rất được quan tâm, không chỉ từ quan điểm khoa học và kỹ thuật, mà còn từ quan điểm kinh tế. Chuỗi khách hàng tiềm năng cho thiết bị mới đã được xác định. Theo kế hoạch của các nhà phát triển, AUV Sarma có thể phục vụ các tổ chức vận tải biển, doanh nghiệp dầu khí, dự án nghiên cứu đáy biển… tùy theo yêu cầu và mục đích khai thác.
Dự án thậm chí vẫn chưa được đưa thử nghiệm nhưng các kỹ sư hi vọng tương lai đầy hứa hẹn của nó. Trên cơ sở công nghệ và ý tưởng của AUV Sarma, các AUV khác có thể được phát triển với kích thước đa dạng hơn và nâng cao tính tự chủ. Tuy nhiên, những mẫu như vậy sẽ chỉ xuất hiện trong tương lai khi và chỉ khi có sự quan tâm của khách hàng, cũng như khả năng thành công của dự án AUV Sarma.