Ngày 5/2, ông Powell thay thế bà Janet Yellen chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch Fed. Với những kết quả ấn tượng của người tiền nhiệm, tân lãnh đạo của một trong những tổ chức có sức ảnh hưởng lớn nhất về tài chính, kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với không ít kỳ vọng và thách thức để duy trì đà tăng trưởng của Mỹ nói chung và của thế giới nói riêng.
Di sản đồ sộ
Kết thúc nhiệm kì của bà Janet Yellen, nền kinh tế Mỹ đã có nhiều tiến triển rõ rệt: thất nghiệp và lạm phát ở mức thấp kỷ lục, trong khi hệ thống tài chính được tận dụng triệt để và có tính thanh khoản cao hơn. Thành quả này có một phần không nhỏ đến từ những phán đoán chính xác và sự cân nhắc kĩ lưỡng của bà Yellen.
Quan trọng hơn, bà sớm nhận biết về dấu hiệu của một cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, với sự sụt giảm của lãi suất thị trường tự nhiên (lãi suất thị trường để các khoản tiết kiệm và đầu tư tự cân bằng mà không có sự can thiệp từ tăng hay giảm tốc trong phát triển kinh tế). Do đó, cựu Chủ tịch Fed đã sớm điều chỉnh chính sách, thoát khỏi mô hình truyền thống lạc hậu.
Cựu Chủ tịch Fed Janet Yellen. (Nguồn: Detroit News.) |
Khi bà Janet Yellen trở thành Chủ tịch năm 2014, quan điểm phổ biến tại Fed cho rằng tăng trưởng bị chậm lại, ngay cả khi lãi suất ở mức thấp, là do hiệu ứng “gió ngược” - các yếu tố nhất thời đi kèm với khủng hoảng tài chính và sẽ sớm biến mất. Khi đó, nền kinh tế sẽ có thể duy trì tăng trưởng bền vững ngay cả khi lãi suất liên bang ở mức 4%. Dưới góc nhìn này, việc đưa lãi suất liên bang về mức gần 0% là quá dàn trải và có thể khiến lạm phát ở mức nguy hiểm.
Tuy nhiên, 5 năm sau khủng hoảng tài chính, giả thuyết “gió ngược” đã không còn thuyết phục. Lãi suất thị trường tự nhiên ở mức thấp, hệ thống tài chính đã phần nào khôi phục, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn rất chậm. Với sự lãnh đạo của mình, bà Yellen đã dần thay đổi quan điểm của Fed và đi tới nhận định rằng lãi suất thị trường tự nhiên đã sụt giảm một cách đáng kể và các chính sách tiền tệ không quá dàn trải như nhiều người dự đoán.
Hơn nữa, may mắn cho nền kinh tế Mỹ, bà Janet Yellen đã nhận thấy sự thay đổi trong cấu trúc nền kinh tế và có chính sách đúng đắn nhằm đưa xứ cờ hoa tránh vết xe đổ của những cuộc khủng hoảng kinh tế trước.
Kỳ vọng và thách thức
Tuy nhiên, thành công của bà Yellen cũng để lại một cái bóng quá lớn cho ông Powell.
Thách thức đầu tiên mà ông phải đối mặt là việc duy trì tăng trưởng ở mức cao nhưng vẫn bền vững. Ngay cả với lãi suất rất thấp, các khoản tiết kiệm vẫn thường xuyên “áp đảo” đầu tư tư nhân tại Mỹ. Chênh lệch càng trở nên trầm trọng hơn với sự đổ bộ của các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Điều này tạo nên xu hướng giảm phát, vốn chỉ có thể được kiểm soát bởi thâm hụt ngân sách hoặc điều kiện tài chính hạn chế tiết kiệm và khuyến khích đầu tư.
Tân Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phải vượt qua cái bóng không nhỏ của người tiền nhiệm. (Nguồn: Reuters) |
Hơn nữa, giá trị tài sản và các khoản vay không thể tiếp tục tăng nhanh hơn mức Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), dù chính chênh lệch này đã đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế trong những năm vừa qua.
Nếu Fed tăng lãi suất vừa đủ để đảm bảo ổn định về mặt tài chính, nền kinh tế có thể sẽ giảm tốc vượt mức. Nhưng nếu Fed tập trung vào đảm bảo tốc độ tăng trưởng để đạt mục tiêu lạm phát, các khoản đầu cơ vay nợ và giá trị tài sản tiếp tục tăng có thể trở nên rắc rối hơn thời gian tới.
Do đó, cân bằng giữa hai điều này, duy trì mức tăng trưởng cao và bền vững của nước Mỹ sau một thập kỉ lao đao sẽ không hề dễ dàng đối với ông Powell.