Trước thềm bầu cử, chính quyền Pakistan đang phải giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh, khủng bố và tham nhũng. Bảo vệ tính mạng, duy trì quyền tự do bày tỏ ý kiến chính trị của người dân đang trở thành bài toán khó của Pakistan. Giao tranh tại các điểm nóng xung đột do lực lượng Taliban ở Pakistan tiến hành đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, trong đó có 3 ứng viên nổi tiếng. Thêm vào đó, Islamabad vẫn đang đau đầu trước nạn tham nhũng tràn lan liên quan tới nhiều quan chức hàng đầu, kể cả cựu Thủ tướng Nawaz Sharif. Tại các chiến dịch vận động tranh cử người dân của các đảng, tham nhũng được cho là một trong những việc cấp bách cần giải quyết ngay khi Chính phủ mới được thành lập. Do đó, cuộc bầu cử này được kỳ vọng sẽ là bước đệm thuận lợi cho cuộc chuyển giao quyền lực ở đất nước Nam Á.
Ba đảng phái chính tham gia tranh cử là Đảng Pakistan Tehreek-e-Insaaf (PTI), Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) và Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N), với ba đại diện lần lượt là cựu danh thủ cricket Imran Khan, Bilawal Bhutto Zardari -con trai Cố Thủ tướng Bhutto và ông Shehbaz Sharif, em trai của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif.
Từ phải sang – ông Imran Khan, ông Shezbah Sharif và ông Bilawal Bhutto Zardari. (Nguồn: DNA India) |
Nhìn chung các đảng đều hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, song lập trường của các đảng về các vấn đề vẫn có sự khác biệt. PTI chú trọng đến phát triển con người, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xoá bỏ tham nhũng, củng cố liên minh, bảo vệ môi trường. Trong khi đó, PPP tập trung vào thúc đẩy phát triển kinh tế để chăm sóc sức khoẻ và giáo dục; cung cấp nước uống sạch; đầu tư vào giới trẻ, tầng lớp lao động, phụ nữ và trẻ em; làm sâu sắc dân chủ và tự do ngôn luận. Về phần mình, PML-N mong muốn củng cố dân chủ, hoà bình ở cả trong và ngoài nước; duy trì tốc độ phát triển: mở rộng nền tảng công nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy thương mại trong khu vực.
Các nhà phân tích mong đợi một cuộc đua nước rút giữa đảng PML-N của ông Shehbaz Sharif và đảng PTI của ông Imran Khan. Đảng PTI hiện đang có cơ hội thắng cử lớn, khi nhận được sự ủng hộ của cử tri. Dù sớm bước vào vũ đài chính trị của Pakistan cách đây hơn hai thập kỷ, song ông Khan chưa có kinh nghiệm điều hành chính phủ. Tuy nhiên, PTI lại được hậu thuẫn bởi các cả giới quân sự, tư pháp lẫn các nhóm gây tranh cãi, bao gồm cả một nhóm được liên kết với al-Qaeda. Nếu PTI thắng cử, thực quyền sẽ nằm trong tay quân đội và toà án.
Nếu đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) thắng, Ấn Độ và Mỹ có thể thở phào nhẹ nhõm khi cả New Delhi và Washington đều từng làm việc với anh trai của ông Shehbaz, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif. Trong trường hợp cả hai bên không đủ phiếu, sự ủng hộ của đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của ông Bilawal Bhutto Zardari và các bên khác sẽ là yếu tố quan trọng để hình thành liên minh cầm quyền.
Song, dù chiến thắng gọi tên ai thì quân đội Pakistan vẫn tìm cách duy trì hiện diện đáng kể trong chính phủ sắp tới. Thoát khỏi ảnh hưởng từ giới tướng lĩnh, giải quyết triệt để những vấn đề an ninh còn tồn tại, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đáp ứng kỳ vọng của dân chúng sẽ là thách thức không nhỏ dành cho tân Thủ tướng Pakistan và chính quyền tương lai.