📞

PPP sẽ còn “ế” dài!

07:54 | 18/04/2017
TS. Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế (Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính) nhận định, thực trạng tiêu cực trong quy trình đấu thầu đang đẩy nhiều dự án theo mô hình hợp tác công tư (PPP) vào tình trạng “ế ẩm”.
TS. Đinh Trọng Thịnh. (Ảnh: Gia Huy)

Thưa ông, vì sao mô hình hợp tác công – tư (PPP) cho đến nay vẫn không thu hút được nhiều nhà đầu tư?

Theo tôi, còn rất nhiều rào cản, vướng mắc mang tính xung đột pháp lý trong việc thực hiện dự án PPP, dẫn đến nhiều đơn vị đã không mặn mà lựa chọn đầu tư theo hình thức PPP.

Thứ nhất, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hình thức đầu tư PPP hiện chỉ dừng lại ở mức Nghị định của Chính phủ nên hành lang pháp lý về hoạt động này vẫn còn phụ thuộc vào các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công... từ bước chuẩn bị đến triển khai đầu tư, vận hành và khai thác dự án.

Thứ hai, việc giải phóng mặt bằng trong thời gian qua phía Chính phủ làm chưa tốt bằng việc kéo dài thời gian thực hiện, làm chậm quá trình thi công của các dự án. Nhà đầu tư khi nhìn lại “lịch sử” các dự án trước đây còn dang dở đã khiến họ ngại không muốn tham gia.

Thứ ba, việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sau khi thực hiện dự án PPP cũng chưa được quan tâm một cách thích đáng. Dù đã có những hứa hẹn nhưng nhà đầu tư thường không tránh khỏi cảm giác bất an vì chưa có gì chắc chắn và cụ thể.

Đây là những yếu tố cơ bản làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư, khiến họ không muốn nhảy vào các dự án PPP.

Nhiều nhà đầu tư hay doanh nghiệp than phiền, họ cảm thấy các cơ chế thực thi dự án PPP vẫn mang tính “xin-cho”, thiếu minh bạch, công bằng giữa các chủ thể tham gia. Ý kiến của ông?

Ở đây không chỉ nói đến sự công bằng giữa Nhà nước và doanh nghiệp mà còn là sự công bằng giữa các doanh nghiệp cùng tham gia đấu thầu hay thực hiện một dự án. Việc chọn ai hay thủ tục phải tiến hành như thế nào nhưng thiếu giải thích cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp sợ các phần chi phí bôi trơn không chính thức sẽ rất lớn và gây khó dễ cho trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, nhà đầu tư hay doanh nghiệp cũng rất “ngán” khâu đấu thầu và chấm thầu, vì khả năng trượt sẽ cao hơn trúng nếu không biết cách “quan hệ” với các cơ quan chức năng. Trên thực tế, những dự nào “tiền khả thi” cùng với “ngoại giao giỏi” của doanh nghiệp thì sẽ được “gợi ý” chỉ định thầu, hay nói cách khác là thực hiện bằng việc “xin-cho”.

Nhiều nhà đầu tư ngoại "làm ngơ" do lo ngại sự thiếu minh bạch trong triển khai các dự án PPP. ( Nguồn: Zing)

Khảo sát của các đối tác nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam đã cho ra kết quả, phần lớn các doanh nghiệp tham gia dự án đều phải “bôi trơn”. Đặc biệt là những doanh nghiệp thực hiện các dự án PPP, dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng – chuyển giao (BT)… gần như phải “bôi trơn” hết. Đây là những chi phí “đen”, không được hạch toán vào dự án.

Với những nhà đầu tư lớn, có phong cách kinh doanh minh bạch, công khai thường không muốn tham gia. Điều này khiến Việt Nam bị nhỡ rất nhiều nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, đủ trình độ công nghệ chỉ vì họ không thích đi “vòng vo”. Và thường những người nhận được các dự án PPP lại là các nhà thầu năng lực yếu, không đủ công nghệ thi công.

Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông chúng ta cần phải có những biện pháp gì?

Điều đầu tiên cơ chế chính sách của Nhà nước phải rõ ràng, cụ thể, công khai và minh bạch. Tôi nhấn mạnh, cơ chế càng cụ thể, chi tiết bao nhiêu thì kẽ hở dành cho tham nhũng, vòi vĩnh của các quan chức càng bị thu hẹp lại bấy nhiêu.

Thứ hai, phải có thời gian thẩm định hoặc có văn bản chứng minh của những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì mới được chấp thuận. Tuy nhiên, vì những loại văn bản này thường có tính pháp lý không cao, dẫn đến việc doanh nghiệp dễ dàng “chạy” được loại giấy tờ này.

Thứ ba, phải thay đổi tư duy nếu không “bôi trơn” thì không được việc. Không thể để hiện tượng này trở thành thói quen nếu không có phong bì là “xôi hỏng bỏng không”, cán bộ quản lý thiếu nhiệt tình và kém tươi cười.

Xin cảm ơn ông!

 

(thực hiện)