📞

Putinomics 2.0 sẽ có khác biệt

07:00 | 10/03/2018
Tiến dần tới khả năng tái cử nhiệm kỳ thứ 4, thời gian cầm quyền ở điện Kremlin của đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin rất có thể sẽ kéo dài đến năm 2024.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã từng bị nghi ngờ về khả năng điều hành kinh tế. Cuối năm 2014, một bài viết với tựa đề “Putin chứng kiến sự sụp đổ của nền kinh tế Nga cùng với hình tượng của ông” đã xuất hiện trên Tạp chí Time. Có ý kiến cho rằng, ông Putin thường mang đến sự ổn định, chứ không có thay đổi, bởi vậy nền kinh tế Nga sẽ khó có khả năng đạt được những cải cách cần thiết để phát huy hết tiềm năng.

Có thể người ta đòi hỏi sự khác biệt nào đó trong chính sách của người đứng đầu nước Nga, nhưng chọn con đường an toàn không thể coi là một lựa chọn sai lầm, vì thực tế đã chứng minh, cuộc khủng hoảng kinh tế đã không thể làm khó nước Nga và cả Tổng thống Putin. Vượt qua thách thức kép là sự sụp đổ về giá dầu và các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, kinh tế Nga vẫn từng bước phát triển, dù không mạnh mẽ.

Người dân Nga hy vọng, với sự nhạy bén và lựa chọn chính sách đúng đắn, Tổng thống Putin sẽ dẫn dắt nền kinh tế Nga tới thành công. (Nguồn: Thecsspoint)

Putinomics và ý chí tự cường

Vượt qua những “rung lắc mạnh” từ bên ngoài, nền kinh tế Nga đã dần ổn định, lạm phát đang ở mức thấp trong lịch sử, ngân sách gần như được cân bằng… Chính sự ổn định đó đã đảm bảo tỷ lệ ủng hộ cho đương kim Tổng thống ở trên mức 70%.

Nếu ở châu Á, người ta nói nhiều đến Chính sách kinh tế ba mũi tên – Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe vực dậy nền kinh tế Nhật Bản, thì ba mũi nhọn trong Putinomics được cho là đã giúp Tổng thống Putin đưa nền kinh tế Nga “sống sót” qua các cú sốc đúp về tài chính và chính trị.

Mũi nhọn thứ nhất, tập trung vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức nợ và lạm phát thấp. Mũi thứ hai, ngăn chặn sự bất đồng trong dân chúng bằng việc ổn định thị trường lao động, đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp thấp và trợ cấp đều đặn, thậm chí tạm thời không đề cao tăng trưởng kinh tế và chấp nhận gây phương hại cho những mức lương cao. Mũi thứ ba, kiểm soát có giới hạn của nhà nước đối với các khu vực có tầm quan trọng chiến lược, khuyến khích các công ty tư nhân hoạt động tự do ở những lĩnh vực cho phép, nhằm giữ cho nền kinh tế ổn định, dù chưa thể đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ. 

Trong tình hình hiện tại, giới quan sát cho rằng, chiến lược của Tổng thống Putin có thể sẽ không làm cho nước Nga trở nên giàu có hơn, nhưng nó giữ cho nước này ổn định và tránh được sự bất ổn trong nội bộ. Chẳng hạn, trong cuộc khủng hoảng gần đây, với chính sách cắt giảm lương thay vì sa thải, tỷ lệ thất nghiệp ở Nga chỉ tăng 1%. Đây không phải một chính sách kinh tế hiệu quả, nhưng lại phù hợp với mục tiêu ổn định chính trị - xã hội của Điện Kremlin, vì người Nga sẽ không phản kháng về việc cắt giảm lương, nhưng sẵn sàng “xuống đường” nếu bị sa thải hay đóng cửa nhà máy.

Mục đích của Kremlin trong chính sách kinh tế không phải là tăng GDP hay thu nhập hộ gia đình ở mức tối đa, mà là ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì sức mạnh ở trong nước và linh hoạt trong đối ngoại. Trên thực tế, hiện Nga là một trong những quốc gia tương đối hiếm khi ghi được điểm cao từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về cách quản lý kinh tế, ưu tiên trả nợ, duy trì thâm hụt thấp và hạn chế lạm phát.

Trải qua các cuộc khủng hoảng thảm họa, tránh lặp lại những “vết xe đổ” như hồi các năm 1991, năm 1998, các nhà lãnh đạo Nga biết rằng, bất kỳ dấu hiệu của khủng hoảng ngân sách, vỡ nợ hay thất nghiệp… đều có thể khiến người dân mất đi sự tin tưởng vào người đứng đầu, thậm chí là cả chế độ. Đó là lý do, ngay từ khi vừa nhậm chức, Tổng thống Putin đã dành phần lớn khoản thu được từ dầu mỏ để trả nợ nước ngoài trước hạn. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Nga đã cắt giảm mạnh chi tiêu cho các dịch vụ xã hội nhằm đảm bảo ngân sách vẫn gần được cân bằng. Cũng nhờ cắt giảm ngân sách mạnh mẽ, nên dù hiện doanh thu từ dầu mỏ chỉ còn bằng một nửa so với năm 2014, thâm hụt của Nga chỉ vào khoảng 1% GDP, thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước phương Tây…

Còn hơn thế, Chính sách khắc khổ của Tổng thống Putin còn được ủng hộ, bởi đã vực dậy sự tự cường của các doanh nghiệp Nga và cả nước Nga, mà điển hình là nền nông nghiệp. Lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước phương Tây đã giúp nền nông nghiệp Nga quay trở lại thời thịnh vượng, năng suất tăng vượt bậc, nhiều nhà sản xuất địa phương trở lại, các sản phẩm Nga từng vắng bóng đã quay lại các kệ hàng.

Tiếp tục đương đầu với khó khăn

Tuần tới, các cử tri Nga sẽ đi bỏ phiếu bầu ra người tiếp tục dẫn dắt nước Nga trong nhiệm kỳ 6 năm tới. Cùng “chạy đua” vào Điện Kremlin, nhưng ông Putin đã được dự đoán về một chiến thắng dễ dàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh những dư âm khó khăn trong nền kinh tế còn dai dẳng, đặc biệt là do tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây, đa phần người dân Nga đã cảm nhận được những khó khăn của đất nước.

Trong thông điệp Liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ, còn được coi như Cương lĩnh tranh cử, đề ra những ưu tiên hàng đầu nếu trúng cử, Tổng thống Putin đã cảnh báo nguy cơ tụt hậu và nhấn mạnh “nước Nga còn nhiều vấn đề phải làm”. Ông đã dành nhiều thời gian để đề cập cụ thể tới các nhiệm vụ phát triển kinh tế, khoa học, giáo dục và dân sinh.

Trong đó, ông nhấn mạnh, để tiếp tục cải thiện cơ cấu kinh tế của đất nước cần phải thúc đẩy được các nguồn tăng trưởng mới. Trước hết là phải tăng năng suất lao động, không dưới 5% mỗi năm. Nguồn tăng trưởng thứ hai là gia tăng nguồn vốn đầu tư, đầu tiên là 25% GDP, sau đó là 27% GDP. Nguồn tăng trưởng thứ ba là phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đến năm 2025 phải đạt mức 40% và tăng khả năng tiếp cận nguồn tài chính cho doanh nghiệp.

Như vậy, nếu trước đây, các mục tiêu ổn định vĩ mô và quan trọng là giữ yên lòng dân đều đã đạt được, tức là Tổng thống Putin đã thành công. Thì nay, Putinomics 2.0 với ba nguồn tăng trưởng mới trong một thời kỳ mới, hy vọng ông Putin và nước Nga sẽ tiếp tục gặt hái thành công.