Tổng Chưởng lý Qatar Ali bin Fetais al-Marri cho biết, nước này có bằng chứng cho thấy tin tặc ở các quốc gia đang cô lập Qatar đã sử dụng điện thoại iPhone trong vụ tấn công mạng nhằm vào trang web của hãng thông tấn nhà nước Qatar.
Ông Marri không nêu rõ tên nước nào, song nhấn mạnh rằng vụ tấn công mạng xuất phát từ “các quốc gia láng giềng” và được tiến hành từ “hơn 1 nước”. Ông Marri cũng cho biết các nhà điều tra Qatar đã theo dõi những đơn vị cung cấp dịch vụ internet cho các quốc gia đồng minh do Saudi Arabia dẫn đầu. Doha đã gửi thông tin cho các quốc gia liên quan và đang chờ phản ứng từ các nước đó.
Tổng Chường lý Qatar Fetais al-Marri. (Nguồn: AFP) |
Trước đó, các nhà điều tra Qatar cho biết tin tặc đã lợi dụng kẽ hở trên trang web của hãng thông tấn Qatar để “gài” thông tin giả mạo từ tháng 4 và đến ngày 24/5 mới bị phát hiện.
Cụ thể, các tin tặc đã đăng tải những lời nhận xét giả mạo của Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, cho rằng ông đã chỉ trích một số nhà lãnh đạo của các quốc gia Arab vùng Vịnh và kêu gọi giảm căng thẳng với Iran. Vụ việc được cho là nguyên nhân khiến Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và các nước đồng minh khác phong tỏa Qatar cả về ngoại giao và kinh tế với cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố, dù Doha thẳng thừng bác bỏ.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington “lo ngại” trước việc Saudi Arabia và các nước đồng minh vùng Vịnh không công bố hay cung cấp cho phía Qatar chi tiết về những nguyên nhân dẫn đến quyết định cấm vận đối với nước này, đồng thời hối thúc các bên giải quyết mâu thuẫn.
Thể hiện sự “thất vọng” ngày càng lớn của Mỹ đối với vai trò của Saudi Arabia trong cuộc khủng hoảng hiện nay tại vùng Vịnh, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đặt ra nghi vấn liệu những động thái của các nước Arab có thực sự liên quan đến cáo buộc cho rằng Qatar ủng hộ khủng bố hay không, hay liên quan đến những bất đồng vốn đã tồn tại trong một thời gian dài giữa các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Bà Nauert cũng cho biết Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã thực hiện ít nhất 20 cuộc điện đàm với cả giới chức Saudi Arabia và Qatar và ông muốn tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng hơn nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh. Washington hối thúc tất các bên giảm căng thẳng và tham gia đối thoại mang tính xây dựng, đồng thời kêu gọi các bên tập trung vào mục tiêu chính của khu vực cũng như quốc tế là chống khủng bố.