Ngày 12/6, giới chức Nhà Trắng đã ca ngợi sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo G7 đối với thỏa thuận liên quan đến Trung Quốc . (Nguồn: Reuters) |
Trả lời báo giới, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết các lĩnh vực đạt được sự nhất trí bao gồm “làm việc cùng nhau để ứng phó với các hoạt động kinh tế phi thị trường của Trung Quốc,… sẵn sàng lên tiếng về vi phạm nhân quyền bao gồm cả ở Tân Cương - và không chỉ là lên tiếng, mà còn đưa ra hành động và phản ứng với lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng".
Tuy nhiên, quan chức trên không đưa ra câu trả lời trực tiếp về việc liệu Trung Quốc có được đề cập trong thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay hay không.
Ngoài ra, quan chức trên khẳng định “có nhiều cuộc thảo luận” về cách thức các quốc gia G7 có thể làm việc cùng nhau để tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, hợp tác về tiêu chuẩn công nghệ, hỗ trợ các nước thu nhập thấp và tất cả các biện pháp nhằm thúc đẩy cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Theo cấu trúc pháp lý của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), việc chỉ định Trung Quốc là "nền kinh tế phi thị trường" cho phép các đối tác thương mại của họ, bao gồm cả Mỹ, sử dụng một khuôn khổ đặc biệt để xác định xem hàng xuất khẩu của Trung Quốc có được bán với giá thấp một cách không công bằng hay không và nếu đúng như vậy, sẽ áp dụng thuế chống bán phá giá bổ sung.