Thủ tướng Anthony Albanese phát biểu thông báo về sáng kiến mới ở Thái Bình Dương ngày 28/8. (Nguồn: X) |
Ngày 28/8, tại Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương, diễn ra từ 26-30/8, các nhà lãnh đạo tham dự đã phê duyệt sáng kiến trị giá 400 triệu AUD (271 triệu USD) do Australia tài trợ nhằm tăng cường chương trình đào tạo cảnh sát và thành lập một đơn vị cảnh sát cơ động trong khu vực.
Hãng tin AFP dẫn lời Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cho biết, Washington đã quyết định không theo đuổi một kế hoạch tương tự, vì đã nhận được yêu cầu từ phía Australia để Canberra đảm nhận vai trò đó.
Ông khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với vai trò lãnh đạo của Australia trong việc triển khai kế hoạch.
Với sáng kiến trên, dự kiến, một lực lượng khoảng 200 sĩ quan từ các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ được triển khai đến các điểm nóng và thảm họa trong khu vực khi cần.
Mặc dù các thành viên diễn đàn đồng ý về nguyên tắc đối với sáng kiến trên, song mức độ tham gia cụ thể của từng quốc gia vẫn chưa được quyết định.
Australia và New Zealand từ lâu đã là những đối tác an ninh quan trọng ở khu vực, dẫn đầu các sứ mệnh gìn giữ hòa bình và huấn luyện tại nhiều quốc đảo.
Cũng liên quan các quốc đảo Thái Bình Dương, cùng ngày, Nhà Trắng cho rằng, kể từ khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã ưu tiên chính sách đối ngoại sâu rộng với các nước này.
Là một quốc gia Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích lâu dài trong việc hợp tác với các nước láng giềng Thái Bình Dương về khí hậu, tự do hàng hải hòa bình, thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Theo Nhà Trắng, tại Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương, Mỹ sẽ thúc đẩy các ưu tiên hợp tác thông qua các diễn đàn tiểu khu vực như nhóm Đối tác Thái Bình Dương Xanh và Bộ tứ (QUAD) để đáp nhu cầu của các nước.
Trong 3 năm rưỡi qua, Mỹ đã công bố Chiến lược đối tác Mỹ-Thái Bình Dương, cung cấp hơn 8 tỷ USD tiền tài trợ mới cho quần đảo Thái Bình Dương, mở 3 đại sứ quán mới tại Solomon, Tonga và Vanuatu, công nhận Quần đảo Cook và Niue là các quốc gia có chủ quyền, độc lập và thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước này.
Ngoài ra, Mỹ cũng mở rộng các văn phòng Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Papua New Guinea và Fiji, đưa Đội Hòa bình (Peace Corp.) trở lại Fiji, Samoa, Tonga và Vanuatu, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ lãnh sự của Mỹ để tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng hơn.