Quân đội đồng hành với nhân dân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. |
Lời thề danh dự thứ chín
Ngày 25/8, cả nước tưởng niệm 110 năm ngày sinh của người soạn thảo 10 lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam: Đại Tướng Võ Nguyên Giáp - Tư lệnh của các Tư lệnh.
Trong mười Lời thề danh dự của quân nhân ấy, một bản hùng văn thấm đượm nét văn hóa đặc sắc bộ đội Cụ Hồ, tôi đặc biệt ghi nhớ lời thề thứ chín - lời tâm huyết của tự thân người lính hết lòng phục vụ nhân dân: Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân.
Quân đội đồng hành với nhân dân trong cuộc chiến chống dịch
Không biết từ lúc nào những người Việt Nam, nhất là người Sài Gòn đã quen với các thuật ngữ vốn tồn tại trong quân sự như “Mỗi người dân là một chiến sĩ”, “Mỗi ngôi nhà là một pháo đài”, “Bệnh viên dã chiến”, “Chống dịch như chống giặc”…
Khi đất nước đứng trước nguy cơ chiến tranh, người dân chỉ trông mong vào 2 lực lượng vũ trang nòng cốt là công an và quân đội. Bởi trong những thời khắc của sự hỗn loạn và căng thẳng ấy, họ tin là mình không đơn độc trong cuộc chiến chống kẻ thù vô cùng đặc biệt: một kẻ thù vô hình, không màu sắc, không mùi vị và có thể tấn công bất kỳ lúc nào.
Một cuộc điều động, chuyển quân có lẽ khá lâu rồi chúng ta chưa chứng kiến kể từ các cuộc chiến tranh chống thực dân đế quốc. Các cán bộ chiến sĩ ra đi với lời hứa: hết dịch sẽ trở về. Vâng, các anh sẽ về khi chiến thắng.
Lời hứa thể hiện tinh thần đoàn kết Bắc-Nam một nhà, tương tự như khi hàng triệu bộ đội hướng về miền Nam thân yêu của những tháng ngày lịch sử trước đây. Ngày nay, các anh tiếp tục Nam tiến để giúp dân, những người thực sự cần có sự đồng hành một lực lượng tinh nhuệ, kỷ luật, mạnh mẽ, không lùi bước trước mọi kẻ thù cho dù đó là kẻ thù “vô hình”.
Logistics từ quân đội mà ra và có một logistics rất đặc biệt…
Một điều khá thú vị là thuật ngữ “logistics” được biết đến từ những năm 1950 nhưng thực tế khái niệm này đã có từ rất lâu, chẳng qua là thay tên gọi mà thôi. Nó bắt nguồn từ nhu cầu quân sự, từ các cuộc chiến tranh cổ đại của đế chế Hy Lạp và La Mã hay từ thời Tam Quốc. Logistics bắt nguồn từ quân đội và giờ đây Quân đội đang tham gia làm logistics của chính mình để chiến đấu giành lại một Sài Gòn khỏe mạnh, nhộn nhịp, tất bật như vốn dĩ.
Các chiến sĩ đưa tro cốt người mất vì Covid-19 về tận nhà nhanh nhất. |
Những người lính là các chuyên gia logistics. Và giờ đây, trong cuộc chiến đặc biệt này, gen “logistics” của họ càng được phát huy cao độ. Một “logistics” lạ lẫm mà với những người được đào tạo bài bản trong ngành chưa từng thấy trong giáo trình hay trong thực tiễn.
Lạ lẫm bởi vì quân đội tham gia vào việc vận chuyển vaccine đến các cơ sở y tế, hàng hóa và nông sản từ các tỉnh, thành phố khác về TP. Hồ Chí Minh, vận chuyển nhu yếu phẩm, thuốc men đến tận tay từng hộ dân mà không tính đến yếu tố “chi phí logistics” nhằm để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau khi mà Thành phố quyết tâm thực hiện yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đó”.
Để thực hiện cho được điều này, để dân yên tâm ở nhà, họ đã tính toán kỹ lưỡng các phương án như tiếp phẩm, thuốc men, chữa trị, kiểm soát các chốt chặn… bộ đội tận dụng các địa hình, địa vật đặc biệt để tác chiến một cách khoa học, đúng thời gian, địa điểm, đúng chất gen “logistics” trong bối cảnh lượng tiêu thụ ở các khu vực rất lớn, phức tạp nhất là vùng đỏ, vùng vàng lên đến hàng triệu người.
Điều xúc động nhất đối với tôi, có lẽ là việc quân đội tham gia vào việc tiếp nhận tro cốt người mất vì Covid-19, chăm lo hương khói cho người đã mất, đồng hành với các nạn nhân trong “chặng đường cuối” của cuộc đời với sự chu toàn và trang nghiêm nhất, mang họ về lại với gia đình.
Một khái niệm "logistics" nhân văn và lạ lẫm nhất mà tôi từng được biết. Lạ lẫm nhưng thấm đẫm tình người thiêng liêng dành cho người đã khuất, an ủi phần nào cho những người ở lại với nỗi niềm day dứt khôn nguôi vì không thể đưa tiễn người thân của mình chu đáo như truyền thống “nghĩa tử là nghĩa tận”. Họ trông chờ tất cả vào sự trách nhiệm, nghĩa tình của những người lính. Tình quân dân, nghĩa đồng bào được thể hiện vô cùng mạnh mẽ. Đây là lương tâm, trách nhiệm của người lính với nhân dân. Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kiểm tra Trung tâm điều hành sản xuất của cảng Tân cảng Cát Lái. |
Ở một khía cạnh khác, đối với các công ty tham gia vào chuỗi cung ứng hiện nay đang phải đối mặt với những ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch, khó khăn chồng chất đe dọa sự gián đoạn trong hoạt động xuất nhập khẩu, họ phải co kéo giữa phòng chống dịch và đảm bảo sản xuất.
Trên mặt trận của đội quân sản xuất, những người lính hải quân đang tham gia vào mắt xích chuỗi vận tải cũng chiến đấu từng ngày, từng giờ để đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu thông suốt tại các cảng do quân cảng Sài Gòn quản lý và khai thác như cảng Tân Cảng Cát Lái, Tân Cảng Hiệp Phước hay các cảng nước sâu ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Chúng ta cũng không thể quên họ. Những người lính trên mặt trận sản xuất ấy cũng đang căng mình chiến đấu để bảo vệ cho “an ninh xuất nhập khẩu” nước nhà.
Khó khăn vẫn còn đó nhưng với sự ủng hộ, hợp tác của nhân dân; tính tổ chức cao, sự tận tụy, kỷ cương, trách nhiệm của bộ đội Cụ Hồ, chúng ta có quyền hy vọng, có quyền tin trận đánh tổng lực này sẽ chiến thắng và cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường. Xin cảm ơn các anh đang đương đầu với khó khăn, nguy hiểm ngoài kia để nhân dân yên tâm ở nhà chống dịch. Tri ân những bộ quân phục đang ướt đẫm mồ hôi với một “logistics” rất riêng của mình.
Văng vẳng bên tai lời bài hát: Việt Nam hỡi, Việt Nam ơi, cùng đoàn kết đánh bay Corona…
Sài Gòn, 25/8 - ngày sinh của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp