Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có buổi gặp mặt với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/7 vừa qua. Đây cũng có thể là chuyến công du nước ngoài cuối cùng của bà Merkel trên cương vị nhà lãnh đạo nước Đức.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong buổi họp báo ngày 15/7. (Nguồn: AFP) |
Với 16 năm cầm quyền, Thủ tướng Đức Angela Merkel có thời gian tại vị lâu hơn rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Trong chừng ấy năm nắm quyền Thủ tướng của bà Merkel, nước Mỹ trải qua bốn đời Tổng thống, từ ông George W. Bush (3 năm), ông Barack Obama (8 năm) đến ông Donald Trump (4 năm) và hiện là ông Joe Biden.
Trên cương vị Thủ tướng Đức, bà Merkel đã xây dựng được những mối quan hệ cá nhân thân tình với các Tổng thống Mỹ, giúp thúc đẩy quan hệ song phương. Tuy nhiên, cũng có lúc, quan hệ giữa hai bên gặp không ít trở ngại.
Cùng nhìn lại mối quan hệ của bà Merkel với các nhà lãnh đạo Mỹ trong những năm qua.
Khởi sắc từ thời Bush
Khi bà Merkel nhậm chức Thủ tướng vào năm 2005, quan hệ giữa Washington và Berlin đang ở mức rất thấp do xung đột giữa Tổng thống Bush và người tiền nhiệm của bà Merkel là ông Gerhard Schröder về cuộc xâm lược Iraq năm 2003-2004.
Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Condoleezza Rice nói rằng, quan hệ giữa hai chính phủ tồn tại một “bầu không khí bị nhiễm độc”.
Tổng thống Bush từng đến thăm bang Mecklenburg-Vorpommern, quê hương của bà Merkel. (Nguồn: Spiegel) |
Tuy nhiên, sau cuộc gặp đầu tiên của bà Merkel và ông Bush tại Nhà Trắng năm 2006, Tổng thống thứ 43 của Mỹ đã không tiếc lời khen ngợi về người đồng cấp Đức khi chia sẻ rằng ông thật sự “rất vui” khi được cộng tác với bà. Tổng thống Bush còn khẳng định rằng quan hệ Mỹ-Đức có cơ hội bước sang chương mới.
Cùng năm đó, ông Bush đã đến thăm bang Mecklenburg-Vorpommern, quê hương của bà Merkel. Tại đây, bà đã mời Tổng thống Mỹ ăn tối với món lợn rừng nướng và đưa ông đi tham quan. Để đáp lại tấm thịnh tình, bà Merkel đã đến thăm trang trại của gia đình Tổng thống Bush ở bang Texas vào năm 2007.
Cựu Đại sứ Mỹ James D. Bindenagel đã chia sẻ rằng ông Bush và bà Merkel có “một mối quan hệ thực sự thân thiện”.
Có lẽ khoảnh khắc khó xử nhất trong mối quan hệ của hai nhà lãnh đạo là tại hội nghị thượng đỉnh G8 ở St.Petersburg năm 2008. Khi đó, ông Bush đã tỏ ra hơi quá thân thiện khi bất ngờ tiến tới xoa bóp vai cho bà Merkel. Nhưng bà Merkel lại có phản ứng co vai, dường như để ngăn lại hành động của ông Bush.
Tuy nhiên, sau đó, mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo không bị ảnh hưởng.
Nở rộ quan hệ thời Obama
Trước khi rời Nhà Trắng, một trong những chuyến công du nước ngoài cuối cùng mà Tổng thống Obama thực hiện là gặp bà Merkel ở Berlin cuối năm 2016.
Trong chuyến đi đó, ông Obama đã đánh giá bà Merkel là một “đối tác xuất sắc” và dành tặng cho bà 3 tính từ “chính trực, trung thực và chu đáo”. Ông nói thêm, nếu là một cử tri Đức, chắc chắn ông sẽ chọn bà Merkel trong nhiệm kỳ tới.
Quan hệ Mỹ-Đức khi đó được xây dựng dựa trên nền tảng tình bạn đầy thiện chí và hiểu biết lẫn nhau giữa ông Obama và bà Merkel. Tuy nhiên, phải mất khá nhiều thời gian để quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo phát triển thành mối quan hệ đối tác gần gũi như ngày nay.
Bà Merkel và ông Obama trong chuyến thăm Đức cuối cùng trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống năm 2016. Nguồn: (AP) |
Theo ông Charles Kupchan, Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề châu Âu thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) dưới thời chính quyền Barack Obama, hai nhà lãnh đạo có phong cách chính trị khác nhau. Ông Obama ưa những lời lẽ hùng biện và cao cả còn bà Merkel luôn tỏ ra nhẹ nhàng và thực tế.
Bên cạnh đó, vụ việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nghe trộm điện thoại di động của Thủ tướng Merkel năm 2013 đã khiến cho mối quan hệ Mỹ-Đức rơi vào điểm trũng.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo thực sự được đẩy mạnh trong những năm cuối nhiệm kỳ của ông Obama. Bước ngoặt thực sự đến vào năm 2014, khi máy bay MH17 của Malaysia bị bắn rơi ở Ukraine năm 2014. Sau vụ việc này, hai nước đã đứng chung lập trường và cùng đưa ra chiến lược đối phó với Nga, giúp kéo mối quan hệ này trở về quỹ đạo vốn có.
Theo ông Kupchan, Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel dù có khác biệt về phong cách lãnh đạo, nhưng họ lại sở hữu nhiều điểm chung khi cả hai đều tin vào nền dân chủ. Ông gọi đó là “chất kết dính mạnh mẽ, vô hình” gắn kết họ lại với nhau.
Thờ ơ thời Trump
Khi bà Merkel đến thăm Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng vào tháng 3/2017, cái phớt lờ bắt tay trong Phòng Bầu dục đã bao trùm một sắc màu ảm đạm lên mối quan hệ Mỹ-Đức 4 năm sau đó.
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm Mỹ năm 2018. (Nguồn: Getty) |
Giới truyền thông khi đó không còn xa lạ với những lời lẽ công kích bà Merkel của ông Trump trên tài khoản Twitter cá nhân về các vấn đề liên quan đến người tị nạn và tỷ lệ tội phạm ở Đức.
Mặc dù bà Merkel đã cố gắng xây dựng mối quan hệ thiện chí dựa trên việc tìm ra những giá trị chung, sự “thay đổi 180 độ từ Obama sang Trump” vẫn là một bức tường lớn ngăn cản quan hệ hai nước hòa hợp.
Chuyến thăm Nhà Trắng khi đó diễn ra ảm đạm và theo lời ông Peter Beyer, một chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ Đức, mối quan hệ này sẽ “dần phức tạp và khó để trở nên tốt đẹp”.
Và sự thật cho thấy, cùng với sự thay đổi trong chính sách thương mại và những tuyên bố của ông Trump về Liên minh châu Âu (EU) và NATO, quan hệ Mỹ-Đức đã bị thiệt hại nặng nề và vẫn đang được sửa chữa cho đến ngày nay.
Với những cử chỉ nồng ấm và thân thiện cùng lời khen tặng ông Biden dành cho bà Merkel trong cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 vừa qua ở Anh, dường như quan hệ Mỹ-Đức đã có những tín hiệu chuyển dịch tốt đẹp.
Do đó, sau cuộc gặp mặt ngày 15/7, nỗ lực củng cố mối quan hệ với ông Joe Biden cũng như hàn gắn liên minh Mỹ-Đức sẽ là đáp án cho mối quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương này trong những năm tới.
“Ông Biden tin rằng ngoại giao được xây dựng dựa trên các mối quan hệ cá nhân và do đó, ông ấy đầu tư thời gian và năng lượng vào việc thiết lập mối quan hệ với các đối tác nước ngoài quan trọng”. (Charles Kupchan) |